Anh trai Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (LPB) đăng ký bán hơn 15 triệu cổ phiếu

08:31 | 09/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), ông Dương Công Đoàn, anh trai ông Dương Công Toàn - Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (mã: LPB) vừa đăng ký bán gần 15,4 triệu cổ phiếu LPB nhằm mục đích cá nhân.

Theo đó, giao dịch dự kiến thực hiện trong thời gian 12/12 - 10/1/2023, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu bán thành công lượng cổ phiếu đăng ký, ông Dương Công Đoàn sẽ giảm sở hữu tại LPB từ hơn 25,37 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ sở hữu 1,687%) xuống còn 10 triệu cổ phiếu, (tương đương tỷ lệ sở hữu 0,665%).

Tạm tính theo giá chốt phiên 8/12 của mã LPB là 13.650 đồng/cổ phiếu, ông Đoàn có thể thu về hơn 210 tỷ đồng cho giao dịch bán cổ phiếu LPB lần này. 

Trong khi đó, Phó chủ tịch Dương Công Toàn hiện nắm giữ gần 192.000 cổ phiếu LienVietPostBank. 

Một thông tin liên quan, mới đây (21/11), Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề nghị của LPB về việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Theo đó, VNPost sẽ thoái toàn bộ 122,17 triệu cổ phiếu LPB đang nắm giữ, tương đương 10,15% vốn điều lệ.

Tính theo thị giá cổ phiếu LPB ngày 21/11, tức 9.750 đồng/cổ phiếu, VNPost có thể thu về hơn 1.191 tỷ đồng nếu thoái vốn thành công.

 Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của LBP theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 phê duyệt.

Cụ thể, LPB đã chốt phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới. Với hơn 1,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ngân hàng sẽ phát hành thêm hơn 225,5 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức lần này. Nguồn vốn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của LPB, tương đương hơn 2.582 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng cũng chào bán 300 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Dự kiến sau đợt phát hành, vốn điều lệ của LPB sẽ tăng từ mức 15.036 tỷ đồng lên 20.291 tỷ đồng, tương đương tăng 35%. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 và 2023.

Vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng để cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, tăng quy mô vốn hoạt động cho ngân hàng, đầu tư cho việc mở rộng, phát triển hoạt động của ngân hàng.

Theo báo cáo hợp nhất quý III, luỹ kế 9 tháng, LPB có thu nhập thuần đạt 9.128 tỷ đồng, tăng 44,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.822 tỷ đồng, tăng mạnh 72%. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Ngân hàng đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm, LPB đã vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm.

 

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 313.480 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 228.000 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng nợ xấu của LPB tăng 11,4% so với đầu năm, lên 3.190 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 35,6% lên 1.808 tỷ đồng và chiếm gần 56,7% tổng nợ xấu của ngân hàng này.

Tổng nợ của LPB ghi nhận 290.091 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi khách hàng đạt hơn 193.533 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 23.387 tỷ đồng. 

Trong báo cáo phân tích mới nhất được cập nhật (12/9) đối với LPB, Chứng khoán VNDirect cho biết, mặc dù LPB đã mạnh tay trích lập dự phòng (tăng 238,3%) nhưng lợi nhuận ròng vẫn tăng 61,1%. Lũy kế 9 tháng năm 2022, lợi nhuận ròng tăng 72,1% đạt 4.822 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản thu nhập bất thường từ hoạt động chứng khoán trong quý II/2022. Nếu loại khoản này ra, 9 tháng 2022 lợi nhuận ròng tăng 59,4%. VNDirect cũng nâng lợi nhuận ròng giai đoạn 2022 - 2023 của ngân hàng lên 35,9% và 14,9% so với dự báo cũ. 

Các chuyên gia tăng tỷ lệ lãi ròng 2022 - 2023 nhưng hạ P/B (Giá thị trường của cổ phiếu/ Giá trị ghi sổ của cổ phiếu) mục tiêu từ 1,6 lần xuống 1,5 lần nhằm phản ánh bối cảnh tín dụng bị thắt chặt. Rủi ro giảm giá bao gồm lạm phát và nợ xấu cao hơn dự kiến. Tiềm năng tăng giá là khả năng phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/12, cổ phiếu LPB tăng 6,23% trong phiên trước lên mức 13.650 đồng/cổ phiếu.