LienVietPostBank (LPB) chuẩn bị tăng vốn điều lệ lên hơn 20.000 tỷ

Diên Vỹ 11:11 | 28/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 26/9, HĐQT nhiệm kỳ III của Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã: LPB) công bố quyết nghị thông qua việc triển khai thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 phê duyệt.

 

Theo đó,  LPB dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15%, tương đương số lượng phát hành 225.537.898 cổ phần. Cùng đó, chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là 300.000.000 cổ phần. Như vậy, nếu hoàn tất hai đợt phát hành này, vốn điều lệ LPB dự kiến tăng tương ứng khoảng 5.255 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ ngân hàng từ mức 15.036 tỷ đồng hiện tại lên khoảng 20.291 tỷ đồng,

Thời gian thực hiện các đợt phát hành dự kiến trong năm 2022,2023, sau khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cũng trong quyết nghị này, HĐQT LPB thông tin rằng việc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện sau vào thời điểm phù hợp.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của LPB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm gần 6.214 tỷ đồng qua ba hình thức bao gồm: Phát hành 225,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 15%; chào bán riêng lẻ gần 96 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ sở hữu nước ngoài sau phát hành tối đa 9,99% và chào bán 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 16,44%.

Hồi giữa tháng 9 vừa qua, LPB cũng vừa chính thức được các cơ quan chức năng chấp thuận, sửa đổi Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng với số vốn điều lệ mới tăng lên 15.036 tỷ đồng so với số vốn điều lệ cũ là 12.386 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2022, thu nhập thuần từ lãi tăng trưởng của LPB đạt 3.045 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ quy mô tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao và thu lãi khoản vay cơ cấu COVID-19 của khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 33% lên mức 520 tỷ đồng nhờ các dịch vụ như bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số. Các hoạt động kinh doanh khác cũng mang về thu nhập 206 tỷ đồng, tăng 430% so với cùng cùng kỳ. Đáng chú ý, hoạt động chứng khoán đầu tư ghi nhận thu nhập tăng đột biến so với cùng kỳ lên hơn 346 tỷ đồng. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối của LPB lại giảm gần 67% so với cùng kỳ xuống còn 37,8 tỷ đồng.

Trong quý II/2022, LPB tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng với mức chi trích lập 637 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ 2021. Kết quả, trong quý II, ngân hàng ghi nhận 1.793 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 1,9 lần cùng kỳ. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, LPB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.537 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ 2021 và thực hiện 94% kế hoạch năm (4.800 tỷ đồng).

Cũng theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của LPB tăng 4,1% so với đầu năm lên gần 301.000 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động cho vay khách hàng 6 tháng đầu năm tăng 8,6%, đạt 226.915 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay tăng 21,7%.

Về huy động vốn, LPB ghi nhận tiền gửi của khách hàng 6 tháng đầu năm tăng 3,1% lên 185.788 tỷ đồng, chủ yếu nhờ loại tiền gửi có kỳ hạn. Ngược lại, tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng lại sụt giảm 21% xuống 14.148 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 7,7%.

Tính đến ngày 30/6/2022, nợ xấu nội bảng của LPB đạt 3.183 tỷ đồng so với mức 2.863 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ giảm mạnh 46% xuống 574 tỷ đồng, nhưng nợ dưới tiêu chuẩn tăng 40% lên 771 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng 38% lên 1.837 tỷ. Do vậy, tỷ lệ nợ xấu tính đến hết quý II tăng lên 1,4%.