Bài học cho ngành xe điện: Lý do gì một hãng xe buộc phải huỷ niêm yết ở Mỹ?
Fisker Inc. - hãng xe điện vừa bị huỷ niêm yết khỏi Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) - từng ví mình với Apple.
Nhà sáng lập kiêm CEO Henrik Fisker muốn startup này phải thật khác biệt với các đối thủ. Trong khi Apple thuê Foxconn lắp ráp các sản phẩm quan trọng cho họ, Fisker cũng áp dụng chiến lược tương tự với công ty Áo Magna Steyr.
Fisker quả thật đã làm như vậy và từng có thời điểm gặt hái chút ít thành công. Song giờ đây, tham vọng đó không còn quan trọng nữa vì Fisker đang phải đối mặt với những thách thức hoàn toàn khác, thậm chí có thể phải phá sản.
Vậy, điều gì đã xảy ra với công ty xe điện Đan Mạch từng được kỳ vọng có thể trở thành đối thủ lớn của Tesla?
Những năm đầu đời
Fisker thành lập vào năm 2016, đặt trụ sở tại California. Đây là “đứa con” khác của nhà thiết kế xe hơi Henrik Fisker sau khi startup Fisker Automotive mà ông thành lập vài năm trước đó đóng cửa.
Khi ấy, CEO Fisker kỳ vọng việc đầu tư vào một lĩnh vực công nghệ mới sẽ giúp công ty của ông phát triển nhanh chóng, đồng thời tạo ra những chiếc SUV chạy hoàn toàn bằng điện với giá cả phải chăng.
Nếu mọi việc suôn sẻ, ông Fisker đặt tham vọng biến “đứa con” của mình thành đối trọng với Tesla - cái tên đang dẫn đầu thị trường lúc bấy giờ.
Trong bối cảnh cơn sốt xe điện bắt đầu bùng nổ, Fisker dần thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư muốn thâm nhập vào lĩnh vực này, bất chấp những xôn xao từ lần khởi nghiệp thất bại đầu tiên của nhà sáng lập.
Đến năm 2020, Fisker niêm yết trên NYSE thông qua SPAC. Thời điểm đó, công ty dự kiến doanh thu vào năm 2025 là 13 tỷ USD.
Cho đến nay, sản phẩm chủ lực và duy nhất của công ty là chiếc SUV chạy điện Fisker Ocean được sản xuất tại Áo theo hợp đồng với nhà sản xuất bên thứ ba Magna Steyr.
Bên cạnh Fisker, Magna còn sản xuất xe cho Mercedes, BMW, Jaguar và một số hãng khác. CEO Henrik Fisker kỳ vọng mối quan hệ hợp tác với Magna sẽ giúp công ty ông giảm bớt rủi ro vì họ sẽ không phải đầu tư vào cơ sở sản xuất riêng.
Tuy nhiên, từ thiết kế trên giấy đến sản phẩm thực tế trên thị trường là một thử thách lớn cho Fisker. Vì một loạt vấn đề về phần mềm, chuỗi cung ứng và quy định, mãi đến năm ngoái chiếc Fisker Ocean mới có thể đến tay khách hàng.
Tưởng chừng suôn sẻ hơn, hành trình sau đó của Fisker lại càng chông gai hơn. Các rắc rối của startup này là bài học cho toàn ngành công nghiệp xe điện khi nhu cầu chững lại, cạnh tranh về giá tăng lên và sự quan tâm của nhà đầu tư giảm dần.
Bên cạnh đó, những quyết định chiến lược của Fisker - bao gồm việc chuyển từ mô hình bán xe trực tiếp cho khách hàng sang mạng lưới đại lý - càng khiến vấn đề thêm phức tạp.
Thiếu tiền, cổ phiếu bị huỷ niêm yết
Vấn đề của Fisker thực sự trở nên nghiêm trọng kể từ đầu năm 2024. Công ty trở thành đối tượng bị điều tra sau khi người dùng phàn nàn rằng xe của họ tự lăn bánh đi.
Hiện tại, Văn phòng Điều tra Khiếm khuyết thuộc Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ đang điều tra các chiếc Fisker Ocean do vấn đề liên quan đến phanh.
Chiếc SUV Ocean còn bị reviewer công nghệ Marques Brownlee đánh giá gay gắt trong một video đăng trên YouTube. Đoạn video có tiêu đề “Đây là chiếc xe tệ nhất tôi từng đánh giá”.
“Đừng mua phiên bản Fisker Ocean này”, Brownlee nhấn mạnh. Cho đến nay, video của Brownlee đã thu hút hơn 4,5 triệu lượt xem và khiến cổ phiếu của Fisker lao dốc nặng nề.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin Automotive News, CEO Henrik Fisker thừa nhận rằng Ocean có vấn đề về chất lượng. Ông đổ lỗi cho phần mềm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Ngoài vấn đề về kỹ thuật, Fisker còn chìm sâu trong rắc rối tài chính. Theo báo cáo tài chính năm 2023, đối thủ của Tesla sản xuất được gần 10.200 xe điện nhưng chỉ bàn giao 4.900 chiếc cho khách hàng.
Fisker cũng tiết lộ rằng họ đang thiếu tiền mặt nghiêm trọng và hy vọng sẽ nhận được một khoản đầu tư từ “một nhà sản xuất ô tô lớn”. Hãng còn sa thải 15% nhân viên và làm dấy lên lo ngại về khả năng tiếp tục hoạt động.
Fisker đã nhận được cảnh báo từ NYSE vào tháng 2 vì giá cổ phiếu quá thấp. Đầu tuần trước, tròn một tháng sau thông báo ban đầu, cổ phiếu của Fisker bị tạm ngừng giao dịch và cuối cùng bị huỷ niêm yết vì giá “thấp bất thường”.
Cùng với việc huỷ niêm yết, Fisker phải đề nghị mua lại các lô trái phiếu đáo hạn vào năm 2026 và thanh toán ngay các khoản nợ đến hạn vào năm 2025, theo một hồ sơ mà công ty này đã đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.
“Chúng tôi hiện không có đủ dự trữ tiền mặt hoặc nguồn tài chính để đáp ứng việc mua lại trái phiếu đáo hạn vào năm 2026 hoặc 2025, và do đó, những sự kiện như vậy có thể gây bất lợi đáng kể đến hoạt động kinh doanh, kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của chúng tôi”, Fisker trình bày.
Cổ phiếu của Fisker từng được giao dịch với giá 28 USD/cp vào tháng 2/2021, tương ứng mức định giá gần 8 tỷ USD. Song, cổ phiếu của hãng xe điện này hiện có giá chưa đến 10 xu/cp, khiến vốn hoá tụt xuống dưới 50 triệu USD.
Còn gồng nổi hay không?
Đầu tháng 3, Fisker thông báo sẽ tạm ngừng sản xuất trong 6 tuần vì trễ hẹn thanh toán tiền lãi. Công ty hứa hẹn sẽ huy động 150 triệu USD bằng cách chào bán trái phiếu chuyển đổi.
Đây là một phần trong cuộc đàm phán giữa Fisker và “nhà sản xuất ô tô lớn” giấu tên. Kết quả đàm phán ngã ngũ vào tuần trước. Ông lớn đó chính là hãng xe Nhật Bản Nissan, theo Reuters. Tuy nhiên, tia hy vọng cuối cùng của Fisker đã vụt tắt khi Nissan rút lui vào phút cuối.
Song, CEO Henrik Fisker vẫn lạc quan. Chia sẻ với Yahoo Finance vào tháng trước, ông nhấn mạnh: “Fisker vẫn còn tương lai - nếu không tôi đã không ở đây”.
“Và tôi tin chúng tôi sẽ tìm cách thoát khỏi mớ rắc rối này, hay nói cách khác là sự suy yếu nói chung của ngành công nghiệp xe điện hiện nay”, ông tiếp lời.
Dù sao chăng nữa, với một loạt vấn đề như vậy, công ty xe điện đầy tham vọng của Đan Mạch vẫn đang đứng gần bờ vực phá sản hơn bao giờ hết.