‘Bầu’ Đức: Suýt phá sản vì nông nghiệp, vực dậy cũng nhờ ngành nông

Trang Mai 13:48 | 10/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản hơn 13.000 tỷ, ông Đoàn Nguyên Đức đứng trước nguy cơ phá sản khi đầu tư "sai thời điểm" vào cao su và cọ dầu. Tuy nhiên, vị lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai đã quyết tâm vực dậy, cũng lại chính từ ngành nông.

Từ “thợ mộc” đến “ông chủ”

Ông Đoàn Nguyên Đức (hay còn gọi là "bầu" Đức), Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) sinh năm 1963 trong một gia đình nông dân nghèo tại Bình Định. Năm 1982, ông vào TP HCM thi đại học với mong muốn đổi đời, thoát nghèo nhờ học hành. 

 Chân dung ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Reatimes

Tuy nhiên, sự nghiệp học dường như không có “duyên” với ông, khi bầu Đức thi trượt liền 4 lần. Sau một thời gian tích góp từ việc làm thuê, ông Đức quyết tâm khởi nghiệp bằng cách mở một xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh của xã. Những sản phẩm đầu tiên đều do chính tay ông tự cưa, bào, đục đẽo. Sau đó, ông tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất và nhiều lĩnh vực khác.

Năm 1993 ông thành lập công ty tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Sau một thời gian phát triển mạnh mẽ, đến năm 2006, công ty này phát triển thành CTCP Hoàng Anh Gia Lai. HAGL Bầu Đức kinh doanh với nhiều lĩnh vực khác nhau. Điển hình như khoáng sản, cao su, gỗ, địa ốc và bóng đá...

Năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã HAG. Sau nhiều năm khởi nghiệp và gặt hái thành công, đến năm 2009, bầu Đức trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản gần 13.000 tỷ đồng và đứng trước cơ hội trở thành tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Khi đó, ông Đức là cá nhân đầu tiên tại Việt Nam mua máy bay riêng. Khi ấy, bất động sản là ngành kinh doanh chính của HAGL, thế nhưng ông chủ doanh nghiệp lại quyết định bỏ ngành nghề chính, đầu tư vào nông nghiệp với 2 loại cây trồng chính là cao su và cọ dầu. 

Chia sẻ với Dân trí về quyết định có phần mạo hiểm này, ông Đức nói: “HAGL bỏ BĐS rất dứt khoát. Bỏ là bán sạch, không còn gì lưu luyến. Từ lúc đưa ra quyết định đến lúc bán đi toàn bộ là 2 năm. Toàn bộ cổ đông của HAGL đều đồng ý với lựa chọn này.

Cũng có một lý do khiến HAGL tự tin rời bỏ BĐS không chút lưu luyến là vì khi đó ngành cao su đang ở đỉnh cao, người ta gọi cao su là vàng trắng, vì giá vốn có 1.300 USD/tấn, nhưng bán 5.000 USD/tấn, hoàn toàn bỏ xa BĐS. Mà tôi vốn là người qua Lào đầu tư làm ăn từ rất sớm nên có điều kiện phát triển vùng trồng cao su với quy mô lớn ở đây.

Suy nghĩ đi suy nghĩ lại tôi bán toàn bộ đất đai, dồn hết toàn bộ tiền qua Lào làm cao su.  Ngoài ra, tôi còn đầu tư thêm BĐS ở Myanmar chứ không làm ở Việt Nam”.

Suýt phá sản vì nông nghiệp, vực dậy cũng từ nông nghiệp

Trong giai đoạn này, HAGL cũng đã đầu tư hàng tỷ đô la trồng cao su, cọ dầu, mía… với tổng diện tích lên đến hơn 40.000 ha, đây cũng là thời điểm giá bán đạt đỉnh 5.000 USD/tấn, tiền đầu tư đến từ các khoản vay ngân hàng, phần lớn từ BIDV. 

Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp sẽ có độ trễ. Khi ông Đức bắt đầu dấn thân vào cao su là lúc giá mặt hàng đạt đỉnh, còn khi đến lúc thu hoạch thì giá mặt hàng này đã rớt thảm hại. Sau 5 năm, đến lúc được thu hoạch cao su, thì giá cao su đang từ 5.000 USD/tấn rớt xuống còn dưới 1.000 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với dự báo “xấu nhất chỉ xuống mức 3.000 USD/ tấn” trước đó. Việc kinh doanh dưới giá vốn là nguyên nhân chủ chốt khiến HAGL mất thanh khoản những năm về sau.

Từ một người có tiền nhiều đến mức định mua đội bóng Arsenal (Anh), ông Đoàn Nguyên Đức trở thành con nợ. Ông bộc bạch: “Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều”.

Không chỉ “nếm quả đắng” ở thị trường cao su, “bầu” Đức cũng đã từng thất bại nặng trong lĩnh vực mía đường và đã chuyển nhượng cho Thành Thành Công. 

Tại BCTC năm 2012, HAGL ghi nhận doanh thu hơn 4.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế hơn 500 tỷ, giảm hơn 3 lần so với năm 2021. Tổng nợ đến năm này đã lên đến hơn 20.000 tỷ, chiếm 2/3 tổng tài sản. 

Năm 2013 là mốc dấu thay đổi hoạt động kinh doanh của HAGL. Nếu như trong năm 2012, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh thu 4,3% thì đến năm 2013, sau một loạt các hoạt động tái cơ cấu, doanh thu đóng góp chủ đạo chính của công ty lên đến 38,94% và tiếp tục gia tăng tỷ trọng.

Không chỉ tham gia vào mảng trồng trọt, năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai đã tận dụng thế mạnh quỹ đất của mình tiếp tục đầu tư vào ngành chăn nuôi bò thịt và bò sữa tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong định hướng chiến lược, công ty sẽ đầu tư các dự án chăn nuôi bò với tổng vốn khoảng 6.300 tỷ đồng, dự kiến tổng số lượng đàn bò thịt và bò sữa tổng đàn bò của tập đoàn đã lên đến hơn 43.500 con. Ngày 20/7/2015, bầu Đức đã niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HNG) để thể hiện sự quyết tâm của mình đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Ông quyết định đầu tư vào các sản phẩm có vòng đời nhanh, mang về dòng tiền để duy trì hoạt động. Đầu tiên là bò thịt, rồi đến rau, củ, quả. Tuy  nhiên, chiến lược này vẫn không thể giúp doanh nghiệp thoát khỏi số nợ chục nghìn tỷ và không ngừng tăng. Tưởng chừng ngày tuyên bố phá sản đã đến gần thì may mắn đến với HAGL khi vào năm 2016, Chính phủ đồng ý cho tái cấu trúc toàn bộ, giúp doanh nghiệp vượt qua nguy cơ phá sản.

Sau khi lách qua khe cửa hẹp, HAGL đã tái cấu trúc theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ trồng cọ dầu, cao su sang trồng mía, ớt, chanh dây, chuối… để lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, giai đoạn này không có một ngân hàng nào cho vay nên HAGL rất khó khăn trong quá trình huy động vốn. 

Năm 2018, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương gặp bầu Đức và đồng ý giúp HAGL để cùng làm nông nghiệp. Cũng trong năm này, HAGL cũng rút vốn ra khỏi công ty xây dựng, mảng thủy điện, thậm chí cả chăn nuôi bò để có thể tập trung mọi nguồn lực phát triển cây ăn trái. 

Trái ngược với mong đợi của Hoàng Anh Gia Lai sau khi được đầu tư ngành trồng trọt trái cây sẽ phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp liên tục báo thua lỗ, theo báo cáo thường niên năm 2019 và năm 2020. Nguyên nhân chính là ngành trồng trọt bị tác động nhiều bởi yếu tố môi trường. Năm 2019, trận lụt ở Lào đã khiến cho doanh thu của ngành trái cây sụt giảm nghiêm trọng hơn từ 2.897 tỷ xuống 1.275 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2019, chi phí tài chính đã gần bằng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai khi gánh nặng tài chính doanh nghiệp quá nhiều.

Năm 2019, bầu Đức quyết định khởi đầu quá trình chuyển nhượng toàn bộ công ty nông nghiệp và mảng kinh doanh bất động sản cho ông Trần Bá Dương. Nợ vay vì vậy cũng giảm đi hàng chục nghìn tỷ đồng, từ 31.300 nghìn tỷ cuối năm 2018 xuống hơn 21.800 tỷ cuối năm 2019. 

Sau nhiều lần tái cấu trúc, danh sách công ty con của HAGL cũng giảm mạnh, tính đến 30/6/2023 có 7 công ty con trực tiếp, 8 công ty con gián tiếp và 2 công ty liên kết, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Tổng nợ của HAGL từ đỉnh điểm hơn 35.000 tỷ đồng năm 2016 đã giảm về gần 16.000 tỷ giữa năm nay.

  Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Theo bầu Đức, hai năm nay, HAGL may mắn tìm ra một cây, một con là cây chuối và con heo theo mô hình tuần hoàn. Heo ăn chuối phụ phẩm, còn chất thải chăn nuôi được xử lý để bón cho trang trại chuối. Nếu chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp thì khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn chăn nuôi lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Chuối đủ tiêu chuẩn được chọn lọc làm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, số còn lại được tận dụng làm thức ăn cho đàn heo khoảng 400.000 con. Một phần chuối được ủ chín cho heo nái ăn, phần còn lại được thái lát, sấy khô và nghiền thành bột. Trong thành phần thức ăn hàng ngày của đàn heo, bột chuối và chuối chín chiếm tới 40%, còn lại là bắp, đậu nành, thảo dược để thay thế kháng sinh.

Nửa đầu năm nay, HAGL ghi nhận doanh thu hơn 3.100 tỷ, tăng hơn 1.000 tỷ so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế 385 tỷ đồng. 

  Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Bên cạnh cây chuối, bầu Đức dự kiến còn thu về một khoản lớn trong năm nay từ sầu riêng, khi giá mặt hàng này liên tục tăng mạnh, có thời điểm lên hơn 100.000 đồng/kg, trong khi giá vốn chỉ khoảng 10.000 đồng/kg (theo ông Đức chia sẻ). Ngoài ra, với động thái bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai ngay số 1 Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai (bất động sản “đắc địa” cuối cùng còn lại của bầu Đức) để trả nợ trái phiếu mới đây đã thể hiện rõ quyết tâm xoá sạch hơn 5.200 tỷ đồng tại BIDV trong cuối năm nay của vị Chủ tịch HAGL.