Triển vọng nào cho 6 mặt hàng nông sản tỷ USD nửa cuối năm 2023?

Trang Mai 14:05 | 25/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm, những mặt hàng tỷ USD như rau quả, gạo, thuỷ sản,... là những nhóm ngành được kỳ vọng sẽ là chủ lực cho nửa sau năm 2023.

Xuất khẩu rau quả dự báo sớm cán đích 4 tỷ USD 

Theo thông tin mới công bố của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong tháng 7, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 475,5 triệu USD, giảm 28,2% với tháng trước và tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt kim ngạch xuất khẩu rau quả năm trước là 3,16 tỷ USD cho cả năm 2022.

 Xuất khẩu nông sản trong 7 tháng đầu năm 2023 đã vượt cả năm 2022. Ảnh: Báo Công Thương

Rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân là do Trung Quốc mở cửa trở lại, tăng lượng thu mua. Đặc biệt, các nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi. Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu các nhóm hàng trái cây với kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD năm nay.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sầu riêng và chuối của Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng do chất lượng nâng cao. Đặc biệt, vụ sầu riêng Việt kéo dài nên sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh hơn so với hàng Thái Lan, Philippines.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo nửa cuối năm nay, xuất khẩu rau quả có thể cán đích sớm 4 tỷ USD. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ ngày càng thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).

Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.

Xuất khẩu gạo có thể đạt trên 4 tỷ USD

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay nước ta xuất khẩu 4,24 triệu tấn gạo, thu về 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá xuất khẩu cao nhất 10 năm qua của gạo Việt.

Triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại Châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.

Ngày 20/7 vừa qua (giờ Việt Nam), Ấn Độ, quốc gia chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới đã ra lệnh dừng xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường để giảm giá nội địa, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trong những tuần gần đây do thời tiết thất thường đe dọa sản xuất. Trước đó, hồi tháng 9/2022, nước này từng cấm xuất khẩu loại gạo tấm và áp đặt mức thuế 20% với gạo không phải gạo basmati xuất khẩu với lo ngại về sản lượng thu hoạch giảm do cắt giảm diện tích trồng. Tháng 11 năm đó, Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm này.

Ngay sau lệnh cấm này, Bộ Công thương đã gửi khuyến nghị khẩn đến các doanh nghiệp và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Theo Bộ Công thương, việc Ấn Độ ban hành chính sách cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu. Bộ khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107 của Chính phủ, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá gạo tại thị trường trong nước.

Trao đổi thêm với phóng viên DNVN,  PGS TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia kinh tế nhận định: “Gạo là mặt hàng thiết yếu và là trụ cột của an ninh lương thực. Lượng cầu về gạo hàng năm toàn thế giới khá lớn, khoảng 18-20 triệu tấn. Tuy nhiên đây cũng là sản phẩm chịu tác động lớn của thời tiết, mùa vụ, khí hậu. Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, Việt Nam thậm chí còn nhập khẩu gạo giá thấp từ quốc gia này để sản xuất các sản phẩm như: bánh phở, bánh đa, bánh gạo, bún… Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sẽ làm giảm đáng kể cung gạo thế giới, khiến giá gạo tăng lên”. 

Chuyên gia nhận định rằng, sản lượng xuất khẩu của nước ta có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ, song kim ngạch sẽ tăng đáng kể. Điều này sẽ có lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. 

"Theo tôi, Việt Nam có lượng dự trữ lương thực đáng kể vì rút kinh nghiệm nhiều năm trước. Vụ mùa này có triển vọng được mùa nên đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thời điểm giá cao là hay nhất. Nếu để cơ hội trôi qua, Ấn Độ và các nước khác lấy lại trạng thái sản xuất bình thường, giá gạo bình ổn với mức thấp thì chờ đợi đến cơ hội mới sẽ mất nhiều thời gian hơn. 

Cần triệt để nắm bắt, khai thác cơ hội này một cách chuyên nghiệp. Thậm chí nên nhân cơ hội này để phát triển sàn giao dịch gạo tại Việt Nam, từng bước xác lập sàn giao dịch gạo quốc tế tại nước ta. Điều này còn tạo điều kiện để Việt Nam chi phối giá gạo thế giới” - chuyên gia nhận định. 

Dự báo, xuất khẩu gạo cả năm nay sẽ thu về trên 4 tỷ USD.

Dự báo xuất khẩu cà phê và hạt điều thuận lợi, hồ tiêu gặp khó khăn

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt trên 1 triệu tấn, trị giá 2,39 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng, nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê gặp thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện. Dự báo, sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10 - 15%. 

 Xuất khẩu cà phê được kỳ vọng thuận lợi khi nguồn cung giảm. Ảnh: Báo Tin tức

Với hạt điều, sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 279,43 nghìn tấn, trị giá 1,63 tỷ USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường Mỹ, Hà Lan, Đức, Australia…giảm, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống, Ả rập Xê út, Canada, Nhật Bản tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Với hồ tiêu, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân ước đạt mức 3.184 USD/tấn, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch đạt 498 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ.

Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu hồ tiêu dự báo tiếp tục khó khăn do các thị trường lớn phục hồi chậm, lượng hàng tồn từ năm trước cũng là nguyên nhân khiến các nhà nhập khẩu giảm bớt thu mua.

Xuất khẩu thủy sản với kỳ vọng phục hồi về cuối năm

6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,15 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.

 Sản lượng xuất khẩu thuỷ sản đang dần hồi phục. Ảnh: Vasep

Báo cáo ngành thuỷ sản mới công bố của Chứng khoán SSI Research cho thấy, những dấu hiệu phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc chưa thực sự rõ rệt, do tình trạng lạm phát kéo dài và xử lý hàng tồn kho chậm vẫn còn hiện hữu. Theo CTCP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam AgroMonitor (đơn vị chuyên phân tích và dự báo thị trường nông sản), sản lượng tiêu thụ cá tra sang Mỹ và Trung Quốc lần lượt giảm 50% và 31% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023. 

 

Dự báo trong quý III, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... tiếp tục bị tác động bởi lạm phát cao. Tuy nhiên, lượng tồn kho thủy sản ở các thị trường đang dần được giải tỏa sau thời gian dài các nhà nhập khẩu giảm mua, thêm vào đó là nhu cầu tăng cho dịp lễ hội cuối năm sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản sẽ dần cải thiện và có khả năng phục hồi nhẹ trong quý IV.

Ngoài ra, chứng khoán SSI Research tin tưởng rằng các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ bắt đầu thấy ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm, bao gồm giá nguyên vật liệu (cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản) và chi phí vận chuyển giảm.

Đây là cơ sở để ngành thủy sản đạt kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2023.