Bản tin kinh tế 7/10/2020: Công ty lọc dầu lớn thứ 2 Hàn Quốc mua lại cổ phần của startup Việt Nam

17:31 | 07/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty lọc dầu lớn thứ hai Hàn Quốc mua cổ phần của startup Việt Nam, Nhóm quỹ Dragon Capital muốn bán hơn 46 triệu cổ phiếu ACB... cùng một số thông tin khác sẽ được đề cập trong Bản tin kinh tế ngày 7/10.

Công ty lọc dầu lớn thứ 2 Hàn Quốc mua cổ phần của startup Việt Nam

Bản tin kinh tế 7/10/2020: Công ty lọc dầu lớn thứ 2 Hàn Quốc mua lại cổ phần của startup Việt Nam - ảnh 1

GS Caltex Corp., công ty lọc dầu lớn thứ hai Hàn Quốc về doanh số đã ký một thỏa thuận đầu tư trị giá 39 tỷ đồng (1,6 triệu USD) với start-up VI Automotive Service của Việt Nam. VI Automotive Service sở hữu công ty con VietWash, hiện có khoảng 50 tiệm rửa xe đang hoạt động tại Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên hãng lọc dầu Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam.

Theo thỏa thuận được ký kết trong một cuộc họp trực tuyến ngày 6/10, GS Caltex sẽ mua lại 16,7% cổ phần của VI Automotive Service ngay sau khi các thủ tục hoàn tất.

Trả lời báo chí, đại diện GS Caltex cũng cho biết công ty này đang lên kế hoạch bán các sản phẩm dầu nhờn tại Việt Nam. GS Caltex là liên doanh 50:50 giữa tập đoàn GS Energy (Hàn Quốc) và Chevron Corp, nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 tại Hoa Kỳ.

Nhóm quỹ Dragon Capital muốn bán hơn 46 triệu cổ phiếu ACB

Bản tin kinh tế 7/10/2020: Công ty lọc dầu lớn thứ 2 Hàn Quốc mua lại cổ phần của startup Việt Nam - ảnh 2

ACB thông báo Asia Reach Investments Limited và First Burns lnvestments Limited đăng ký bán lần lượt 13,7 triệu cổ phiếu và 32,9 triệu cổ phiếu. Thời gian giao dịch dự kiến từ 9/10 đến 6/11, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Nếu thực hiện thành công, Asia Reach Investments Limited sẽ giảm sở hữu từ 3,15% xuống 2,51% vốn tại ACB, tương đương 54,3 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, First Burns lnvestments Limited sẽ hạ tỷ lệ nắm giữ từ 4% xuống 2,48% vốn, tương đương 53,5 triệu cổ phiếu.

Asia Reach Investments Limited và First Burns lnvestments Limited đều có liên quan đến thành viên HĐQT của ACB, ông Dominic Scriven OBE- Chủ tịch Dragon Capital.

Vừa qua, hơn 498,8 triệu cổ phiếu ACB phát hành trả cổ tức được niêm yết bổ sung trên HNX. Vốn điều lệ của ACB nâng từ 16.627 tỷ đồng lên 21.616 tỷ đồng. Trên thị trường, cổ phiếu ACB có giá 23.800 đồng/cp, tăng 39% so với cuối tháng 7.

Năm 2025, Việt Nam thu hút 2 tỷ USD từ tập đoàn bán lẻ AEON MALL

Bản tin kinh tế 7/10/2020: Công ty lọc dầu lớn thứ 2 Hàn Quốc mua lại cổ phần của startup Việt Nam - ảnh 3

AEON MALL Hải Phòng Lê Chân là trung tâm thương mại thứ 6 tại Việt Nam

Theo thông báo, dự kiến đến năm 2025, tập đoàn thương mại bán lẻ Nhật Bản - AEON MALL sẽ khai trương thêm 20 trung tâm thương mại (TTTM) tại Việt Nam, tổng giá trị đầu tư là hơn 2 tỷ USD.

Ông Shinichi Asazuma – Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã thể hiện được khả năng quản lý rủi ro xuất sắc trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu. Các nhà đầu tư trên thế giới trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản đang coi Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn.

Được biết, trong chiến lược của mình, AEON MALL đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2014, hiện đã khai trương 5 TTTM và đang tiến hành chuẩn bị khai trương Trung tâm thương mại đầu tiên tại Hải Phòng và là trung tâm thứ 6 trên cả nước - AEON MALL Hải Phòng Lê Chân.

KEPCO đầu tư vào dự án nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam

Theo báo Kinh tế AJU của Hàn Quốc, Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã xác nhận đầu tư vào một dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam có sự tham gia của các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản. Công ty đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng vào tháng 1/2025.

Cụ thể, KEPCO sẽ mua 40% cổ phần trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than có công suất 1.200 MW tại tỉnh Hà Tĩnh. Samsung C&T, đơn vị chủ chốt của tập đoàn Samsung và công ty Doosan Heavy Industries & Construction (Hàn Quốc) sẽ tham gia thiết kế, mua sắm và xây dựng.

Ban đầu, dự án trị giá 2,2 tỷ USD có sự tham gia của Mitsubishi và CLP. Khi CLP rút khỏi dự án này, KEPCO đã quyết định mua 40% cổ phần do CLP nắm giữ.

Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện hàng năm của Việt Nam nhanh hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Điện sản xuất từ các loại nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng vai trò lớn trong nguồn điện của Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 với công suất thiết kế 1.200 MW được xây dựng để đáp ứng nhu cầu điện của một khu công nghiệp.

KEPCO, công ty đã đầu tư vào một dự án nhà máy nhiệt điện than ở Indonesia, cho biết sẽ sử dụng các công nghệ mới để giảm thiểu phát thải carbon ở nhà máy điện Vũng Áng 2.

Lệ Vỹ (T/h)

Xem thêm: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) gặp áp lực dòng tiền vì thất thu từ các dự án BOT giao thông