Quan chức Fed khuyến nghị thúc đẩy chính sách tiền tệ thắt chặt

Trà My (TTXVN/Vietnam+) 08:47 | 15/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo quan chức Fed, khi các điều kiện tài chính chưa thắt chặt đáng kể, thị trường lao động tiếp tục mạnh mẽ và lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu, Fed cần thúc đẩy chính sách tiền tệ thắt chặt.

Trụ sở Fed ở Washington D.C., (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller ngày 14/4 cho rằng cơ quan này nên tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát.

Theo ông Waller, trong bối cảnh các điều kiện tài chính chưa thắt chặt đáng kể, thị trường lao động tiếp tục mạnh mẽ và lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu, Fed cần thúc đẩy chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay.

Ông cho rằng mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới về lạm phát, nền kinh tế thực và mức độ thắt chặt các điều kiện tín dụng.

Khép lại cuộc họp trong hai ngày 21-22/3, Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên khoảng 4,75-5% bất chấp nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây. Đây là đợt lãi suất thứ chín kể từ tháng 3/2022.

Lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất?

Cùng ngày 14/4, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh thu bán lẻ trong tháng Ba đã giảm 1% so với một tháng trước xuống 691,7 tỷ USD, đồng thời cho biết thêm rằng mức giảm của tháng Hai cũng đã được điều chỉnh thành 0,2%.

Doanh số bán lẻ giảm mạnh hơn dự kiến, báo hiệu sự hạ nhiệt của nền kinh tế. Fed đã tăng mạnh lãi suất kể từ đầu năm ngoái để giảm nhu cầu và kiềm chế lạm phát cao, và có những dấu hiệu cho thấy chính sách của cơ quan này đang bắt đầu có tác dụng.

Theo một số nhà kinh tế, thông báo cắt giảm sản lượng bất ngờ của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, đang làm phức tạp thêm nhiệm vụ hạ nhiệt nền kinh tế của Fed và có thể làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát tại Mỹ.

Giá năng lượng thế giới đã tăng mạnh hồi năm ngoái sau khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine. Tình trạng này đã đẩy lạm phát toàn cầu tăng vọt ngay khi các nền kinh tế lớn trên thế giới bắt đầu tái cân bằng sau đại dịch.