Bất chấp COVID-19, xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn tăng trưởng mạnh mẽ

15:27 | 08/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
8 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả nước ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn hàng dồi dào

Đơn hàng dồi dào từ đầu năm kéo giá trị xuất khẩu lâm sản tăng mạnh.
 

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5%  so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả nước ước đạt 11,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường, sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại những thị trường này chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu.

Đơn vị này nhận định, nguyên nhân là ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác, có nhiều đơn hàng, hợp đồng được đề nghị cung cấp sản phẩm đến cuối năm 2021, đã tạo nhiều hứng khởi, yên tâm cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm.

Trước đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của nước ta đạt 9,576 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ 6 về giá trị kim ngạch trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,450 tỷ USD, tăng 76,4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 77,8% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG, tăng so với tỷ trọng này của cùng kỳ năm 2020 đạt 73,3%.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng này không còn được duy trì từ tháng 8/2021. Trong 15 ngày đầu tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu G&SPG đạt 373 triệu USD, giảm tới 45,46% so với cùng kỳ tháng 7/2021. Tính đến nửa đầu tháng 8/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9,95 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan đánh giá, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, xuất khẩu G&SPG bị ảnh hưởng đáng kể. Mặc dù đang trong giai đoạn cao điểm về xuất khẩu nhưng kim ngạch xuất khẩu G&SPG sẽ chưa tăng cao trở lại trong 1 – 2 tháng tới.

Nói về điều này, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ảnh hưởng đợt bùng phát lần thứ 4 dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ. Đặc biệt là tại khu vực phía Nam, nơi tập trung trên 70% tổng số doanh nghiệp ngành gỗ, với giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ước tính đã có hơn một nửa số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc đóng cửa và giảm công suất hoạt động do dịch.

Kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin

Theo kết quả khảo sát nhanh của các Hiệp hội gỗ địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, bình quân có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất.

Thị phần của sản phẩm gỗ Việt Nam 7 tháng đầu năm 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẳng định, những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50 – 60% số lao động, công suất giảm từ 30 – 50% so với điều kiện bình thường. Trong khi đó, chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ"” đã tăng khoảng 20 – 30%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vắc xin rất thấp.

Điển hình như tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định là những địa phương thuộc vùng dịch, nhưng đến cuối tháng 8/2021 mới có khoảng từ 15 – 20% người lao động được tiếp cận với vắc xin.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị, cần nâng hạng ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế. Các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Lập cũng đề nghị Nhà nước cho phép các doanh nghiệp tự test COVID-19 đối với người lao động của mình và được các cơ quan chức năng công nhận kết quả test của doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, ông Điền Quang Hiệp thì cho rằng, chỉ có đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người lao động thì mới đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa khôi phục sản xuất.

Ông Hiệp khẳng định, 8 tháng cả nước nhập siêu 31,7 tỷ USD, trong khi ngành gỗ tạo ra xuất siêu rất lớn, đây là điểm đặc biệt của ngành, cho thấy ngành đem lại nguồn ngoại tệ lớn. “Chúng ra đang thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhưng liệu xếp người lao động vào vị trí thứ 13 được ưu tiên tiêm vắc xin có hợp lý”, ông Hiệp đặt câu hỏi.

“Hiện nay, chúng tôi chỉ còn 30 – 40% doanh nghiệp hoạt động, công suất không quá 50%, mà các ngân hàng vẫn chưa có động thái gì về lãi suất cả. Trong khi họ chỉ điều chỉnh giảm một vài phí rất nhỏ mà cũng tuyên truyền ầm ĩ cả lên”, ông ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai nêu ý kiến.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, rất thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn mà các doanh nghiệp ngành gỗ đang vấp phải. Đối với những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, luôn lắng nghe, ghi nhận đồng thời sẽ chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cùng các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu đề xuất giải pháp xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vị này cũng đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kịch bản phát triển, thích ứng với diễn biến của dịch COVID-19.