Dịch bệnh kéo dài, chặn đà suy giảm xuất khẩu bằng cách nào?

18:05 | 03/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và có nguy cơ đẩy đà suy giảm tăng cao.

Xuất khẩu nông sản sụt giảm mạnh

Bộ Công Thương vừa cáo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021. Nhìn chung, hoạt động sản xuất, xuất khẩu vẫn có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, ảnh hưởng do dịch COVID-19, đà suy giảm xuất khẩu đang có nguy cơ tăng cao từ nay cho tới cuối năm.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 cả nước ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,4%, ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%, sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.

Dịch bệnh kéo dài, chặn đà suy giảm xuất khẩu bằng cách nào? - ảnh 1

Nhóm hàng nông sản xuất khẩu chịu tác động suy giảm mạnh nhất do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, IIP lại ước tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.

Mặc dù, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều ngành công nghiệp trọng điểm vẫn duy trì đà tăng trưởng cao như sản xuất kim loại nặng, ô tô, máy móc thiết bị, điện tử, máy vi tính…

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,7%, sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 1,7%, khai thác than cứng và than non giảm 0,9%.

Các tỉnh có chỉ số IIP sụt giảm chủ yếu rơi vào các địa phương xảy ra dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội kéo dài như TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ngược lại, một loạt các tỉnh do kiểm soát hoặc ít bị ảnh hưởng dịch bệnh lại có sự tăng trưởng đột biến như Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%; Ninh Thuận và Nam Định cùng tăng 14,2%; Quảng Trị tăng 13,7%; Bắc Giang tăng 13,1%; Kon Tum tăng 12,5%; Quảng Ngãi tăng 11,4%.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, nhờ tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng trước đó nên tính chung 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ 2020.

Cụ thể, tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong 8/2021, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, hàng dệt may, đồ gỗ…

Điều đó cho thấy, nội lực sản xuất trong nước rất lớn. Đặc biệt là sự phục hồi, quyết tâm sản xuất của khối doanh nghiệp, người dân vô cùng mạnh mẽ sau những làn sóng dịch COVID-19 vừa qua.

Nhóm hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh nhất là nông, lâm, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu tháng 08/2021 của nhóm hàng này giảm 19,2% so với tháng 7/2021 và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gạo là mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất khi giảm tới 14,8% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Về nguyên nhân, Bộ Công thương nhận định, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch và lưu thông lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với mặt hàng gạo, kim ngạch xuất khẩu chè 8 tháng cũng giảm 6% về lượng và 1,6% về trị giá so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê và hạt tiêu giảm về lượng nhưng vẫn tăng về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm sáng trong xuất khẩu nông sản rơi vào nhóm sản phẩm hạt điều, sắn và sản phẩm sắn, cao su. Đây là các nhóm mặt hàng duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường, Hoa Kỳ vẫn là thị trường số 1 của Việt Nam với kim ngạch 62,1 tỷ USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ 2020. Tiếp đến là các thị trường quen thuộc như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, thép các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng với kim ngạch đạt 72,5 tỷ USD.

Như vậy, tính chung 8 tháng 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu là 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD).

Chặn đà suy giảm

Ngành Công thương nhận định, thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước.

Dịch bệnh kéo dài, chặn đà suy giảm xuất khẩu bằng cách nào? - ảnh 2

Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh gây khó cho nông sản Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng. Hiện nay, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Vậy, Việt Nam phải làm gì để chặn đà suy giảm xuất khẩu trong thời gian tới.

Bộ Công thương cho rằng, đơn vị đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực. Đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Ngành Công thương cũng sẽ làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

THU QUỲNH