Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam

Đông Bắc 16:55 | 09/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 4 năm 2022 đạt 1,5 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2022 - chiếm 79,3% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong 3 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng tại hầu hết các thị trường, ngoại trừ Trung Quốc (-0,7%) và Đài Loan (-2,4%).

Ngành hàng xuất khẩu gỗ Việt Nam phấn đấu trong năm 2022 đạt chỉ tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, trong đó Bình Dương chiếm khoảng 50% do hội tụ nhiều doanh nghiệp lớn.

 

Theo ước tính của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 4 vừa qua đạt 895 triệu USD Mỹ, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay, Hoa Kỳ và châu Âu chiếm 80% thị phần xuất khẩu của Việt Nam và còn dư địa rất lớn để phát triển. Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vẫn tập trung vào các thị trường mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Mặc dù xung đột giữa Nga – Ukraina vẫn diễn biến phức tạp, cùng với đại dịch COVID-19 chưa thể chấm dứt, ngành gỗ Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn về sản lượng xuất khẩu.

Đáng chú ý, hiện nay nguồn cung gỗ từ Nga vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu, đồng thời Nga chưa phải là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Mặt khác giá vận tải biển, chi phí logistics đang tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn.

Chính phủ Việt Nam nỗ lực cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai và ứng dụng các khoa học tiên tiến vào sản xuất. Bảo vệ tính pháp lý, thực thi Hiệp định VPA/FLEGT và Luật Lâm nghiệp, hoàn thiện các quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam phù hợp với các cam kết, thỏa thuận quốc tế.

Theo các chuyên gia, muốn để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào 3 thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc nói riêng và các thị trường nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ, hạn chế xuất dăm gỗ, gỗ tròn và nguyên liệu mà thay vào đó là hướng mạnh sang gia công các sản phẩm tinh, đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ gặp khó 

Mỹ là thị trường tiềm năng với ngành gỗ của Việt Nam, tuy nhiên doanh nghiệp ngành này đang gặp một số trở ngại khi xuất khẩu sang xứ cờ hoa như giá gỗ nguyên liệu tăng cao.

Việc Nga hạn chế, cấm xuất khẩu khiến cho thị trường thiếu hụt về nguồn cung gỗ nguyên liệu, trong khi nhu cầu tiêu thụ về đồ gỗ tiếp tục gia tăng, đã đẩy giá gỗ nguyên liệu lên cao. Điều này tạo ra sự cạnh tranh mạnh về nguồn nguyên liệu trên thế giới. Do vậy, nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ các thị trường khác cũng sẽ đối mặt với khó khăn.

Hiện nay, nhiều nhà cung cấp đang chào gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá cao hơn nhiều so với trước. Gỗ nguyên liệu từ các nguồn cung rủi ro thấp như Mỹ và các nước châu Âu khan hiếm, đẩy giá tăng cao.

Bên cạnh đó, biến động về giá cước vận tải trong 2 năm trở lại đây tác động rất lớn đến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới Mỹ. Hai năm trước, giá cước mỗi container 40 feet đi Mỹ khoảng 4.000 – 5.000 đô la Mỹ, hiện đã tăng 19.000 – 20.000 đô la.

Hiện tại, gần như 100% mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu bán giá FOB. Song, giá cước tăng cao, thị trường Việt Nam không chỉ mất tính cạnh tranh mà doanh nghiệp cũng không thu được lợi nhuận như mong muốn khi phía đối tác đề nghị giảm giá, chia sẻ rủi ro giá cước tăng phi mã.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cộng thêm biến động về giá cước vận tải khiến doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn. Chính vì vậy, mặc dù nhu cầu thị trường tăng, nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ theo các doanh nghiệp là đang có xu hướng giảm tốc.