Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Những thách thức kinh tế nào đang chờ đợi tân Tổng thống?
Chưa rõ ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Nhưng điều không thể phủ nhận là dù ai ngồi vào vị trí Tổng thống Mỹ, người đó sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trên mặt trận kinh tế.
Cụ thể, tân Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với bài thử thách đầy khó khăn, khi "3 in 1" cuộc khủng hoảng ập đến cùng lúc là khủng hoảng y tế cộng đồng lớn nhất thế kỷ, suy thoái kinh tế tồi tệ nhất 10 năm và tình trạng bất ổn dân sự nghiêm trọng nhất từ năm 1960.
Những tổn thất đại dịch COVID-19 gây ra cho Mỹ vẫn còn rất tồi tệ
Mặc dù có một số dấu hiệu lạc quan hơn trong quý trong quý 3/2020, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã phục hồi ngoạn mục 33,1% so với quý trước đó và đảo ngược mức giảm 31,4% trong quý 2.
Tăng trưởng GDP và các giai đoạn suy thoái kinh tế của Mỹ từ 2002 tới nay. Nguồn: Reuters
Dù vậy, kinh tế Mỹ vẫn giảm 2,9% so với quý 3/2019 - một sự cải thiện lớn so với mức giảm 9% của quý 2.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã xóa sổ mức tăng trưởng sản lượng kinh tế một năm qua cùng chuỗi tăng trưởng kéo dài 5 năm của thị trường việc làm Mỹ.
Đồng thời, các biện pháp phong tỏa kéo theo để 'dập dịch', nền kinh tế Mỹ đã trải qua chuỗi ngày được xem là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái 1930. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số người lao động mất việc, chí ít là tạm thời, đã vượt qua con số 42 triệu.
Lực lượng lao động của nước này hiện ít hơn so với trước khi Tổng thống Trump lần đầu tiên nhậm chức vào năm 2016. Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo tỷ lệ thất nghiệp của nước này sẽ ở mức 5,5% vào cuối năm tới - cao hơn mức 4,7% khi Tổng thống Trump mới đắc cử nhưng cải thiện so với mức 7,9% của hiện tại.
Người Mỹ xếp hàng chờ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Frankfort, bang Kentucky. Ảnh: AFP
Một điểm sáng đáng chú ý là hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng mạnh hơn so với thời điểm đại dịch bùng nổ hồi tháng Ba, nhưng vẫn chỉ tương đương mức của tháng Sáu năm ngoái.
Giá nhà ở đang tăng - một điều tuyệt vời đối với các chủ nhà ở Mỹ, nhưng đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả cho những người có nguyện vọng mua nhà.
Hoạt động sản xuất - mối quan tâm chính ở các bang chiến trường vùng Midwest - đã phục hồi, nhưng việc làm trong lĩnh vực này đang trong tình trạng tồi tệ hơn tình hình chung của thị trường lao động.
Đáng chú ý là đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên hầu hết nước Mỹ. Ngày càng có nhiều người lo ngại rằng nước này có thể tái áp đặt các lệnh phong tỏa để kiểm soát tình hình bệnh dịch, tương tự những gì các nước châu Âu đang thực hiện.
Ngoài thị trường việc làm suy yếu và sản lượng kinh tế sụt giảm, người chiến thắng cuộc bầu cử năm nay còn phải đối mặt với một loạt những khó khăn dài hạn bao gồm tình trạng bất bình đẳng ngày càng sâu sắc, nợ liên bang gia tăng và quan hệ thương mại quốc tế rạn nứt.
Ngóng đợi gói kích thích kinh tế mới trong nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng
Nhiều nhà phân tích khẳng định phần lớn nền kinh tế vẫn còn yếu ớt vì dịch COVID-19 sẽ phụ thuộc vào thời gian triển khai, quy mô và hình thức của gói cứu trợ mới - vốn đã bế tắc trước cuộc bầu cử.
Một nhân viên phân phát thực phẩm trên một đường phố ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông James Knightley, người đứng đầu bộ phận kinh tế quốc tế của ngân hàng ING, cho biết một gói tài chính có quy mô “khiêm tốn hơn” có thể đồng nghĩa với việc triển vọng tăng trưởng và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ không mạnh mẽ như mong đợi."
Trong khi đó, ông Matthew Luzzetti, nhà kinh tế trưởng về thị trường Mỹ tại ngân hàng Deutsche Bank, cho biết một nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden với đa số Thượng viện là đảng Cộng hòa có thể chuyển thành một kịch bản xấu cho nền kinh tế trong năm 2021. Vì các đảng viên Cộng hòa có khả năng phản đối một gói kích thích quy mô lớn đáng kể.
Trong trường hợp ông Trump tái đắc cử, các ưu tiên chính sách sẽ được hỗ trợ để duy trì. Còn nếu ông Biden giành chiến thắng, đây sẽ là lực lượng ngăn cản ông cố gắng thông qua bất kỳ thay đổi chính sách lớn nào.
Cũng theo chuyên gia Luzzetti, nếu ông Trump tái đắc cử và Thượng viện vẫn nằm trong quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa, có khả năng kinh tế Mỹ sẽ có một gói kích thích lớn hơn. Bởi lẽ, trước đó ông Trump đã ủng hộ chi tiêu nhiều hơn cho gói kích thích và có thể tạo nhiều ảnh hưởng hơn nếu ông tái đắc cử.
Ông Luzzetti nói rằng dù kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay ra sao, bất kỳ gói viện trợ kinh tế nào cũng nên tăng hỗ trợ cho người thất nghiệp, trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ lẫn các chính quyền bang và địa phương để giữ đà kinh tế tiếp tục.
Đó sẽ là một tin xấu đối với hàng triệu người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình, những người đang thất nghiệp và chật vật tìm việc làm trong các lĩnh vực như du lịch và giải trí.
Cử tri đi bỏ phiếu tại Mỹ. Ảnh: CTV News
Ngoài ra, lãnh đạo đa số Thượng viện thuộc đảng Cộng hòa Mitch McConnell đã báo hiệu rằng ông sẵn sàng cân nhắc một dự luật viện trợ kinh tế mới trước khi các thành viên mới được bầu của Thượng viện và Hạ viện tuyên thệ nhậm chức.
Về mặt vĩ mô, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) cho biết, nền kinh tế số 1 thế giới đã rơi vào suy thoái kể từ tháng 2/2020.
Trước tình trạng này, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo, trong giai đoạn 2020-2030, tổng giá trị GDP (danh nghĩa) của Mỹ sẽ ít hơn khoảng 15.700 tỷ USD, tương đương mức sụt giảm 5,3% so với con số được chính cơ quan này đưa ra hồi tháng 1/2020 - thời điểm COVID-19 chưa bùng phát.
CBO cũng cho biết, triển vọng GDP thực trong cùng kỳ sẽ giảm khoảng 7.900 tỷ USD, tương đương mức giảm 3% so với trước khi đại dịch bùng phát.
Đồng thời, GDP của nền kinh tế số 1 thế giới nhiều khả năng phải đến quý IV/2029, tức gần 10 năm, mới có thể trở lại mức dự báo đã được CBO công bố trước đó.
Ông Joe Biden đang chiếm ưu thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng
Hải Yến