BĐS công nghiệp hưởng lợi từ việc mở cửa đón khách quốc tế

Chu Khải Hoàn 15:23 | 21/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo chuyên gia Savills, việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại không chỉ giúp phục hồi ngành du lịch mà còn góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế, tạo ra nhiều triển vọng cho BĐS công nghiệp.

Ngày 15/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết cho phép công dân của 13 quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp... đến Việt Nam trong 15 ngày mà không cần thị thực. Ở góc độ thị trường bất động sản công nghiệp, chuyên gia Savills John Campbell, cho rằng đây là một tin tuyệt vời đối với sự phát triển của ngành. 

Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam. (Ảnh: Savills).  

Nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng

Thực tế, các ngành sản xuất của Việt Nam đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo IHS Markit, chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) đo lường "sức khoẻ" kinh tế của ngành sản xuất Việt Nam đã đạt 54,3 vào tháng hai, trong khi tháng trước đó ở mức 53,7.

"Tháng 2/2022 là một tháng tuyệt vời vì đây là đã ghi nhận hoạt động của các nhà máy tăng tháng thứ năm liên tiếp. Đây cũng là tháng có mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 4/2021. 

Sản lượng và các đơn đặt hàng mới có hiệu suất tốt nhất trong mười tháng qua. Các đơn đặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng đáng kể. Mức độ việc làm trong lĩnh vực sản xuất cũng tăng tháng thứ ba liên tiếp", ông John Campbell cho biết.

Sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng hai đã tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi ở tháng một, con số này chỉ ở mức 2,8%. Sản lượng sản xuất cũng cải thiện từ 2,8% trong tháng một lên 10% trong tháng hai.

Theo ông John, việc Việt Nam mở cửa trở lại có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế và đem lại triển vọng đối với lĩnh vực công nghiệp. 

Ngoài ra, sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài và khả năng phục hồi, thích ứng của các doanh nghiệp địa phương hứa hẹn đất nước không chỉ sẽ phục hồi mà còn trở lại mạnh mẽ.

Liên tiếp ghi nhận thương vụ đầu tư đình đám

Ngay từ đầu năm 2022, một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào các nhà máy, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Tháng hai vừa qua, Framas, một doanh nghiệp đúc phun nổi tiếng của Đức đã thuê một cơ sở xây sẵn 20.000 m2 tại KTG Industrial Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai trong 10 năm.

Một tháng sau đó, Fuchs Group, tập đoàn dầu nhờn hàng đầu của Đức đã thuê dài hạn 20.000 m2 tại Khu công nghiệp chuyên dụng Phú Mỹ 3, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về phát triển khu công nghiệp, thị trường cũng diễn ra sôi động với các thương vụ đầu tư hàng tỷ USD. 

Ví dụ, cuối tháng 12/2021, Gaw NP Industrial động thổ dự án nhà xưởng xây sẵn (RBF) tại Trung tâm Công nghiệp GNP Yên Bình 2 rộng 16 ha. 

Sang tháng 2/2022, cơ sở công nghiệp cao cấp rộng 13,4 ha tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, tỉnh Long An cũng đã được khởi công.

Cùng tháng, LOGOS Vietnam Logistics Venture thực hiện thương vụ mua lại thứ 4 tại Việt Nam. Công ty này và Manulife Investment Management thiết lập quan hệ đối tác liên doanh để mua lại nhà máy hậu cần xây dựng quy mô 116.000 m 2, trị giá hơn 80 triệu USD.

Ngoài ra, CapitaLand Development đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 1 tỷ USD vào Bắc Giang và  dự kiến phát triển khu công nghiệp, khu hậu cần và khu đô thị đầu tiên tại Việt Nam. Hay thương vụ CTCP Phát triển Công nghiệp BW mua lại 74.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong do DEEP C phát triển.