Bệnh nhân ghép gan đầu tiên ở Việt Nam Nguyễn Thị Diệp qua đời
17 năm sau khi ca ghép thực hiện thành công, bệnh nhân được ghép gan đầu tiên ở Việt Nam đã qua đời trước khi bước vào đợt điều trị kế tiếp.
Theo Lao động, rạng sáng ngày 29/11, gia đình bệnh nhân ghép gan đầu tiên ở Việt Nam Nguyễn Thị Diệp (SN 1995, huyện Hải Hậu, Nam Định) cho hay chị đã qua đời. Chị Diệp là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được ghép gan thành công tại Bệnh viện Quân y 103 vào tháng 1/2004, khi đó chị mới 9 tuổi.
Sau khi được ghép gan, sức khỏe của chị Diệp dần ổn định, chị quay lại cuộc sống bình thường, đi học và đi làm ổn định. Tuy nhiên 1 năm trở lại đây, sức khỏe của chị có vấn đề, chị liên tục bị sút cân, mệt mỏi, gặp phải nhiều đợt thải gan ghép mạn tính mạnh. Chức năng gan cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, men tăng cao, xuất hiện dấu hiệu xơ hóa toàn bộ gan và phải đối mặt với nguy cơ tái ghép gan để tiếp tục điều trị.
Theo Zing, Nguyễn Thị Diệp đã phải tạm gác công việc ở Khoa Dược, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) để nhập viện điều trị. Người thân cho hay, chị đã về nhà khoảng 1 tuần để chờ chuyển viện, chuẩn bị cho ca ghép gan lần thứ hai. Tuy nhiên, trước khi bước vào cuộc đại phẫu, chị Diệp đã không qua khỏi.
Ca ghép gan cho Nguyễn Thị Diệp là ca ghép lịch sử được thực hiện ở Viện Bỏng quốc gia, là ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam. Ê kíp tham gia phẫu thuật có các y bác sĩ tới từ Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia nước ngoài đến từ Nhật Bản. Diệp là bệnh nhân bị teo đường mật bẩm sinh, năm 3 tuổi đã trải qua ca phẫu thuật Kazai nối đường mật với ruột, tới năm 9 tuổi thì bị xơ gan, chảy máu.
Sau cùng, chị Diệp đã nhận gan từ người cha Nguyễn Văn Phòng (31 tuổi vào thời điểm đó), ca phẫu thuật được chuẩn bị từ 5h sáng và phải mất hơn tới 5 h sáng hôm sau mới hoàn thành, các y bác sĩ liên tục túc trực theo dõi tình hình. Sau khi phẫu thuật ghép thận thành công, Diệp vẫn phải sử dụng thuốc chống thải ghép và thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
GS.TS Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường - nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 - nhớ lại: Để chuẩn bị cho ngày mổ, toàn bộ ekip phải chuẩn bị từ 5h sáng, thức trọn đêm đến 5h sáng hôm sau mới hoàn thành ca ghép. Ngày hôm sau lại tiếp tục túc trực suốt đêm như vậy, nếu có mệt chỉ chia nhau tựa lưng vào ghế tranh thủ chợp mắt một chút. Ghép gan không giống như ghép thận: Đối với gan, mình không sử dụng được máy hỗ trợ vì thế phải đảm bảo ổn định cho cả người cho - người nhận. Chúng tôi bị áp lực tâm lý cực kỳ lớn và gần như không ai dám ngủ.
Linh Chi (t/h)