Bí mật về mảng kinh doanh béo bở nhất của hãng xe điện Tesla

15:53 | 01/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc bán ô tô không phải là mảng kinh doanh chính của hãng xe điện Tesla. Thực tế, nếu không có hoạt động mua bán điểm số không phát thải béo bở, công ty sẽ lỗ ròng vào năm 2020.
Theo CNN, báo cáo thu nhập của Tesla năm 2020 chỉ ra hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk không kiếm lời nhờ doanh thu bán ôtô.
 
Mười một bang trên khắp nước Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất ôtô phải bán một tỷ lệ nhất định xe không phát thải vào năm 2025. Nếu không, những công ty này phải mua chứng nhận không phát thải (regulatory credit) từ các hãng khác, chẳng hạn như Tesla.
 
Regulatory credit được các chính quyền bang đưa ra nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Những nhà sản xuất ôtô dư điểm có thể bán lại cho các nhà sản xuất khác.
 
Đó là một hoạt động kinh doanh béo bở của Tesla. Trong vòng 5 năm qua, lĩnh vực này đã mang về cho hãng 3,3 tỷ USD. Riêng năm 2020, khoản tiền mà Tesla thu được nhờ việc bán regulatory credit lên tới 1,6 tỷ USD, vượt xa thu nhập ròng đến 721 triệu USD. Nếu không có hoạt động mua bán điểm số không phát thải, hãng sẽ lỗ ròng vào năm 2020.

Mảng kinh doanh béo bở


"Tesla mất tiền vào việc bán ôtô, nhưng kiếm tiền nhờ bán điểm số. Tuy nhiên, nguồn tiền này sẽ biến mất", ông Gordon Johnson tại hãng nghiên cứu GLJ Research, một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Tesla, cảnh báo.
 
Ban lãnh đạo Tesla cũng thừa nhận rằng công ty không thể tiếp tục phụ thuộc vào nguồn thu này. "Đó là một lĩnh vực cực kỳ khó dự báo đối với chúng ta", Giám đốc tài chính Tesla Zachary Kirkhorn nhận định.
 
"Về lâu dài, doanh số bán regulatory credit không phải phần quan trọng của hoạt động kinh doanh. Chúng ta không thể lập kế hoạch kinh doanh cho mảng này. Có thể trong một số quý, doanh số sẽ tăng mạnh, nhưng cũng có khả năng không", ông nói thêm.
 
11 tiểu bang tại Mỹ (California, Colorado, Connecticut, Maine, Maryland, Massachusetts, New York, New Jersey, Oregon, Rhode Island và Vermont) yêu cầu các nhà sản xuất ôtô bán một tỷ lệ nhất định xe không phát thải. Tuy nhiên, những hãng không đáp ứng yêu cầu sẽ mua lại điểm từ Tesla. Công ty này vượt quá số điểm cần thiết.
 
Mảng kinh doanh béo bở nhất của hãng xe điện Tesla
Tesla kiếm tiền nhờ bán điểm số đo tỷ lệ xe không phát thải cho những nhà sản xuất ôtô khác. Ảnh: Reuters.
 
Tesla báo cáo thu nhập ròng đã điều chỉnh năm 2020 là 2,5 tỷ USD. Lợi nhuận gộp (doanh thu từ việc kinh doanh ôtô trừ chi phí sản xuất xe trực tiếp) đạt 5,4 tỷ USD. Dòng tiền tự do 2,8 tỷ USD cũng tăng hơn một năm trước đó 158%. Đó là sự thay đổi ngoạn mục so với hồi năm 2018 - thời điểm Tesla đứng trước nguy cơ cạn tiền sau khi đốt quá nhiều tiền.
 
Các nhà đầu tư Tesla tin rằng những con số trên cho thấy Tesla đã có lãi sau nhiều năm thua lỗ. Khả năng sinh lời cũng là một trong các lý do khiến giá cổ phiếu hãng xe điện tăng phi mã trong 12 tháng qua.
 
Khả năng kiếm lời của Tesla cũng chia nhà đầu tư thành hai luồng ý kiến. "Họ đang tranh luận về hai vấn đề khác nhau và sẽ không bao giờ đi đến cách giải quyết", nhà phân tích công nghệ Gene Munster tại hãng Loup Ventures nhận định.
 
"Những người không ủng hộ Tesla tập trung quá nhiều vào việc khoản thu từ bán regulatory credit vượt quá thu nhập ròng", ông Munster lập luận. Ông cho rằng biên lợi nhuận gộp mới là thước đo tốt nhất cho thành công của công ty.
 

Cuộc đua khốc liệt


Mức tăng 734% trong năm 2020 của giá cổ phiếu Tesla đưa hãng trở thành một trong những công ty Mỹ có giá trị nhất thế giới. Tuy nhiên, 500.000 chiếc xe mà Tesla bán được vào năm 2020 chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng số hơn 70 triệu xe được bán trên toàn cầu.
 
Trong khi đó, định giá Tesla hiện có giá trị tương đương 12 nhà sản xuất ôtô lớn nhất cộng lại. Doanh thu bán xe của những hãng này chiếm hơn 90% doanh số toàn cầu.
 
Mảng kinh doanh béo bở nhất của hãng xe điện Tesla
Cuộc đua xe điện đang ngày càng khốc liệt
 
Tốc độ tăng trưởng nhanh là điều Tesla sở hữu mà các đối thủ không có. Tuần trước, hãng dự báo tăng trưởng doanh thu hàng năm sẽ đạt 50% trong những năm tới. Công ty dự kiến bật dậy hơn nữa vào năm 2021, khi các công ty khác vật lộn để trở lại mức doanh thu trước đại dịch.
 
Toàn bộ ngành công nghiệp đang hướng tới một tương lai hoàn toàn bằng điện, vừa để đáp ứng những quy định môi trường ngày càng khắt khe trên toàn cầu, vừa nhằm theo kịp nhu cầu đang gia tăng trên khắp thế giới. Một nguyên nhân khác là xe điện đòi hỏi ít lao động, bộ phận và chi phí chế tạo thấp hơn so với ôtô chạy bằng xăng truyền thống.
 
"Hầu hết mọi người có thể đồng ý rằng xe điện là tương lai", chuyên gia Munster bình luận.

Tesla đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hầu hết nhà sản xuất ôtô đều đã hoặc lên kế hoạch tung ra sản phẩm xe điện mới. Volkswagen vượt mặt Tesla về doanh số bán xe điện ở đa số thị trường châu Âu. Tuần trước, GM tiết lộ họ hy vọng sẽ chuyển hoàn toàn sang sản xuất ôtô không khí thải vào năm 2035.
 
“Sự cạnh tranh đang khiến những chiếc xe của Tesla không còn phù hợp", chuyên gia Johnson của GLJ Resarch bình luận. “Chúng tôi không xem đây là một mô hình kinh doanh bền vững”, ông nói thêm.
 
Theo ông Daniel Ives, nhà phân tích công nghệ của Wedbush Securities, Tesla khó giữ được 80-90% thị phần xe điện. Tuy nhiên, hãng xe phát triển ngay cả với thị phần thấp hơn nhiều. "Số lãi sẽ ngày càng nhiều hơn ngay cả khi không tính đến việc mua bán điểm không phát thải", ông nói thêm.
 
 
Theo Zing.vn