Bí thư Kiên Giang vừa bị Thủ tướng phê bình chống dịch "lơ mơ" từng công tác ở những vị trí nào?
Ông Đỗ Thanh Bình là ai?
Ông Đỗ Thanh Bình sinh ngày 15/3/1967, quê quán tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Ông Bình có trình độ học vấn là Thạc sĩ Kinh tế, Trình độ lý luận chính trị Cử nhân. Ngày vào Đảng của ông Bình là 19/9/1990.
Ông Bình được biết đến là một cán bộ trưởng thành từ phong trào Đoàn, được đào tạo bài bản dưới cơ sở. Từ tháng 9/1983 đến tháng 4/1992, ông Bình công tác tại Trường Đảng huyện Vĩnh Thuận; cán bộ Ban Tuyên giáo huyện ủy, Ban Tuyên huấn – tổ chức Huyện ủy Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang.
Từ tháng 5/1992 đến tháng 9/1994, ông Bình làm Phó Bí thư huyện đoàn Vĩnh Thuận.
Từ tháng 10/1994 đến tháng 12/2001, ông Bình giữ chức huyện ủy viên, Bí thư huyện đoàn rồi Trưởng ban tổ chức huyện ủy Vĩnh Thuận.
Từ tháng 1/2002 đến tháng 10/2005, ông Bình giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận.
Sau đó, ông Bình liên tiếp được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận rồi Bí thư huyện ủy Vĩnh Thuận.
Từ năm 2012 tới 2018, ông Bình lần lượt giữ chức Phó Ban rồi Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang.
Nhiệm kỳ 2016 – 2021, ông Bình được bầu làm Phó Chủ tịch rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa X, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.
Ngày 16/10/2020, tại Hội nghị lần thứ nhất BCH Đảng bộ tỉnh Kiên Giang khóa XI, ông Đỗ Thanh Bình được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Còn hạn chế trong công tác chống dịch tại Kiên Giang
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tưởng Phạm Minh Chính sau khi nghe Bộ Y tế báo về diễn tiến dịch tại Kiên Giang thì vô cùng lo lắng, quan ngại.
Trái ngược với tinh thần quyết liệt chống dịch của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang lại khá lơ mơ, không nắm được gì, theo như lời Thủ tướng nhận định.
Trước những câu hỏi của Thủ tướng về số liệu, biện pháp chống dịch, Bí thư Kiên Giang Đỗ Thanh Bình liên tục ấp úng đi… tìm tài liệu. Thậm chí, ngay tại phòng họp của tỉnh Kiên Giang, có người nói vọng vào số liệu để “nhắc bài” cho lãnh đạo tỉnh.
Thủ tướng chấn chỉnh, các đồng chí phải nắm thật chắc thì mới chỉ huy được. Còn cứ lơ mơ thì làm sao chỉ huy chống dịch được. “Không nắm được, ông nào còn cứ nói trong phòng ra. Ông nào nắm được thì ra báo cáo luôn, việc gì phải nhắc”, Thủ tướng nói luôn tại cuộc họp.
Ông Đỗ Thanh Bình ấp úng dở báo cáo rồi cho biết: “Hôm qua, có tổng số 154 ca F0. Để coi lại chứ không nhớ nổi”.
Thủ tướng khẳng định đã rất nhiều lần điện thoại trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhắc nhở việc kiểm soát hằng ngày để xem tốc độ lây lan trong cộng đồng tăng hay giảm. Để xem việc xét nghiệm, sàng lọc của địa phương đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế hay chưa? Việc một tỉnh từ “xanh” sang “đỏ” là điều rất đáng lo.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không phải chi hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và nhiều thứ khác nữa”, Thủ tướng lưu ý.
Bí thư Kiên Giang thừa nhận, tỉnh còn những hạn chế trong phòng chống dịch, nhất là trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chưa nghiêm túc, “chặt ngoài nhưng lỏng trong”.
Kiên Giang cũng mới chỉ triển khai các tổ y tế, chưa lập các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn. Việc trả kết quả xét nghiệm PCR có lúc chậm.
Không chỉ lãnh đạo tỉnh, khi trao đổi với lãnh đạo cấp phường của TP Rạch Giá, một Phó Chủ tịch phường cũng gần như không nắm được gì. Thủ tướng chấn chỉnh luôn: “Phường của đồng chí phải làm mấy việc báo cáo, trực tiếp có mấy việc là chính quyền, người dân cần phải làm gì. Còn nếu không biết thì nói là không biết”.
“Trong 7 ngày qua, tại tỉnh Kiên Giang ghi nhận 1.217 ca, trong đó có 776 ca ghi nhận tại cộng đồng. So với tuần trước đó, số ca mắc tăng 559, số ca tại cộng đồng tăng 203 ca”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại cuộc họp.
Kiên Giang hiện có 7 huyện có nguy cơ rất cao, 3 huyện có nguy cơ cao và 05 huyện đang ở trạng thái bình thường mới. Tính riêng trong đợt dịch thứ 4, Kiên Giang ghi nhận tổng 3.034 ca mắc, trong đó có 25 ca tử vong.
Siết chặt giãn cách xã hội
Sau sự chấn chỉnh trực tiếp từ Thủ tướng Phạm Minh Chính, tỉnh Kiên Giang ngay lập tức có động thái siết chặt thêm giãn cách xã hội.
Cụ thể, từ 0h ngày 14/9, 6 huyện, thành phố tại Kiên Giang sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ gồm: Châu Thành, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên và Giang Thành.
Chủ tịch Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu, các địa phương thực hiện Chỉ thị phải thực hiện nghiêm, thực chất các quy định về giãn cách xã hội, tuyệt đối không để “chặt ngoài lỏng trong”. Đồng thời bảo vệ thật chắc các “vùng xanh”, cô lập các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất và phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 20/9.
Đối với 9 huyện, thành phố còn lại là: Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Kiên Hải và Phú Quốc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 cho tới khi có quyết định mới.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khẳng định, phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan.
Trước đó, kết luận buổi làm việc trực tuyến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tỉnh Kiên Giang phải kiểm soát tốt dịch, càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9.