Kinh Bắc (KBC) trình cổ đông kế hoạch lãi ròng 4.000 tỷ cho năm 2023
Ngày 28/12 tới đây, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã: KBC) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2/2022. Danh sách cổ đông đã được chốt vào ngày 28/11.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần này, KBC dự kiến sẽ trình lên cổ đông thông qua kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2023.
Cụ thể, tại đại hội cổ đông bất thường tới đây, KBC dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, với mục tiêu doanh thu hợp nhất là 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 4.000 tỷ đồng.
Về triển vọng kinh doanh, công ty ước tính khả năng cho thuê đạt 200 ha trong năm 2023 tại các dự án KCN bao gồm Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu, KCN Tân Phú Trung, KCN Tân Tập, KCN Lộc Giang, các cụm KCN ở Long An, Hưng Yên và đặc biệt KCN Tràng duệ mở rộng giai đoạn 3 khách hàng đều đã sẵn sàng. Về việc mở rộng quỹ đất trong giai đoạn tới, dự kiến KBC sẽ được phê duyệt mới 3 KCN có diện tích khoảng 3.000 ha.
Công ty cũng xin ý kiến cổ đông thông qua việc hủy phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu (cp) riêng lẻ năm 2022 do nhận thấy diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh, trong đó có cả cp KBC.
Cùng đó, HĐQT Kinh Bắc sẽ trình cổ đông thông qua phương án mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, với tổng lượng cổ phiếu đăng ký mua là 100 triệu đơn vị tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch nhưng không cao hơn 34.000 đồng/cp, tương ứng với số tiền chi tối đa là 3.400 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện mua lại từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu tại thời điểm thực hiện. CTCP Chứng khoán Navibank sẽ là đại lý thực hiện giao dịch mua cổ phiếu.
Đồng thời, KBC cũng dự kiến trình ĐHCĐ kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ là 20% (1 cổ phiếu nhận được 2.000 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2023. Công ty có thể chi trả hoặc tạm ứng cho cổ đông thành một đợt hoặc nhiều đợt trong năm. Nguồn vốn thực hiện trả cổ tức cho cổ đông được xác định căn cứ vào nguồn lợi nhuận sau thuế (LNST) chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2022 của công ty.
Về tình hình kinh doanh, quý III vừa qua, nhờ khoản lợi nhuận từ công ty liên kết gần 2.000 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của KBC ghi nhận cao đột biến 1.936 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 59 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, KBC ghi nhận 1.289 tỷ đồng doanh thu, giảm 58% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng tăng 191,3% so với cùng kỳ và đạt mức 2.135 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu nhờ khoản lãi định giá lại tài sản được ghi nhận trong quý III.
Năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 9.800 tỷ đồng và 4.500 tỷ đồng, tăng 122% và 372% so với năm 2021. Như vậy, sau 9 tháng, KBC mới hoàn thành 13% kế hoạch doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022.
Về tình hình tài chính, tính đến hết 30/9, tổng tài sản của KBC ghi nhận 33.338 tỷ đồng, tăng 8,94% so với đầu năm, nợ phải trả tăng nhẹ lên 14.696 tỷ đồng, trong đó tổng các khoản vay ngắn hạn và dài hạn chiếm 47,4% tổng nợ. Hết 30/9, vốn chủ sở hữu của KBC đạt 18.641 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 37,3%.