"Biển người" chơi Trung thu ở Hà Nội: Đừng để những nỗ lực "đổ bể"

15:43 | 22/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tối ngày 21/9, ngay trong ngày đầu tiên, TP.Hà Nội áp dụng nới lỏng giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 15, người dân Thủ đô đã ùn ùn đổ ra các tuyến phố chính trung tâm vui Tết Trung thu, khiến khu vực này bị tắc nghẽn nghiêm trọng.

Ngày đầu tiên nới giãn cách (21/9) trùng với Trung thu, đông đảo người dân Hà Nội đã đưa gia đình tới phố đi bộ Bờ Hồ để cùng vui chơi, đón Tết Trung thu, khiến khu vực này bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Tại khu vực Hàm Cá Mập, gần ngã tư Hàng Đào biển người chôn chân, nhiều phương tiện tắc nghẽn hàng giờ đồng hồ, không thể di chuyển được.

Lực lượng Công an TP.Hà Nội phải vất vả phân luồng đảm bảo giao thông, nhắc nhở người dân nhanh chóng di chuyển tránh ùn tắc. Các lực lượng chức năng đã lập nhiều rào chắn hạn chế tại các tuyến phố như Hàng Mã, Hàng Đường, Đồng Xuân... Tuy nhiên, do lượng người quá đông nên các rào chắn bị vô hiệu hóa.

Biển người trên phố Hàng Bài hướng về hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Phạm Tuấn)

Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng vẫn đang rất cao

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân trí, ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, việc người dân Hà Nội đổ ra đường để đi chơi đêm Trung thu tối 21/9 là không thực hiện theo khuyến cáo của UBND TP.Hà Nội.

 

Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng từ 6h ngày 21/9. Sau 2 tháng giãn cách xã hội, số ca bệnh tại thủ đô đang có xu hướng giảm dần và thấp nhất từ đầu đợt bùng phát thứ 4. Tính đến sáng 22/9, CDC Hà Nội đã ghi nhận 3.945 trường hợp mắc Covid-19.

Theo Chỉ thị mới của UBND Hà Nội về nới lỏng giãn cách, thành phố cho phép dịch vụ ăn uống (mang về), cắt tóc, gội đầu, kinh doanh, sửa chữa đồ điện tử, xe cộ, văn phòng phẩm được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thành phố vẫn dừng hoạt động thể dục, giải trí nơi công cộng và một số dịch vụ không thiết yếu khác.

"Rõ ràng Chỉ thị 22 của TP.Hà Nội đã nêu rõ toàn thành phố thực hiện theo Chỉ thị 15 và cao hơn Chỉ thị 15, khuyến cáo ai không có việc gì thì nên ở nhà, không nên ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết. Thế nhưng người dân đã không thực hiện theo khuyến cáo, điều này rất nguy hiểm vì mầm bệnh thâm nhập vẫn còn, vẫn trong cộng đồng, tiếp xúc nhiều sẽ tăng nguy cơ lên", ông Việt phân tích.

Ông Việt khẳng định, Chỉ thị của Hà Nội nêu rõ việc ra ngoài đường không được tụ tập đông người, có thể tập thể dục buổi sáng ở ven hồ, nhưng phải dưới 10 người và giữ khoảng cách 2 m…

"Lúc trước người dân hợp tác rất tốt, nhưng sau hơn 2 tháng ở nhà thực hiện giãn cách, làm việc online, người dân có tâm lý bí bách, nên ngay khi Hà Nội nới lỏng giãn cách là ra khỏi nhà ngay lập tức không cần suy xét", Phó Giám đốc CDC Hà Nội nói.

Chế tài xử lý đối với việc này có đầy đủ nhưng số lượng người đi chơi đông như đêm qua rất khó cho lực lượng chức năng. Ông Việt mong muốn người dân Hà Nội không lơ là chủ quan và tuân thủ đúng các hướng dẫn, quy định của thành phố để đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đừng để những nỗ lực "đổ bể"

Trao đổi về vấn đề này với Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cho rằng đây là những hình ảnh rất buồn, đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng mà Thành phố đang thực hiện.

Ông Phu đánh giá Hà Nội thời gian qua đã thành công khi khống chế không để dịch bùng phát. Các chùm ca bệnh cũng đã được khoanh vùng trong diện hẹp. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình dịch như hiện nay, rất khó để tìm được hết 100% F0 ở cộng đồng hay đưa số ca mắc mỗi ngày về con số 0 được (zero COVID). Ổ dịch ở phường Việt Hưng (Long Biên) là một ví dụ. Dịch cũng đi vào các chuỗi cung ứng, nhiều lái xe luồng xanh hay người bán hàng online, người bán cũng như người mua hàng ở chợ… cũng bị nhiễm.

Nhiều người ra đường sau 2 tháng ở nhà vì giãn cách xã hội.

Hơn nữa, dù Hà Nội đã bố trí các chốt kiểm soát, cách ly tập trung những trường hợp đi từ nơi có dịch về nhưng cũng không thể bảo đảm kiểm soát hết 100%. Do đó, Hà Nội vẫn luôn đặt trong trạng thái "nguy cơ rất cao", dịch bệnh vẫn có thể xảy ra.

"Kể cả khi Thành phố trở về được trạng thái bình thường mới rồi cũng không thể nói chúng ta hết nguy cơ", ông Phu nhấn mạnh.

Dẫn ra ví dụ từ một số quốc gia vẫn tiếp tục siết chặt, hạn chế đến mức thấp nhất việc tổ chức các lễ hội để tránh nguy cơ lây nhiễm không đáng có khi người dân đổ ra đường, PGS.TS Phu nhấn mạnh. Thành phố tạo điều kiện nhưng người dân không thể vì thế mà chủ quan, vì "giải nén lò xo trong thời gian giãn cách" mà bỏ qua các quy định, khuyến cáo.

"Trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0 thì rất khó truy vết, vì không ai biết ai lây cho ai, lây theo hình thức nào, rất nguy hiểm" – PGS Phu nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, Hà Nội nới lỏng từng bước dần đi đến trạng thái bình thường mới, còn bây giờ vẫn phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 15, tức là người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và không tập trung đông người…

"Đổ xô đi chơi Trung thu, xếp hàng dài, chen chúc đi mua phở, cắt tóc… liệu có cần thiết hay không?" - ông đặt vấn đề.

Chủ quan vì đã có 1-2 lần xét nghiệm âm tính, không ít người dân còn chủ quan vì nghĩ rằng, đã tiêm một mũi vaccine thì không thể nhiễm bệnh. Đó là sai lầm.

Vị chuyên gia khẳng định vaccine giúp hạn chế tối đa khả năng chuyển nặng khi nhiễm bệnh, còn khi người dân vừa được tiêm vaccine thì cơ thể không thể có kháng thể chống virus ngay được. Bản thân họ vẫn có thể nhiễm và truyền bệnh cho người khác. Thậm chí, nhiều gia đình còn mang theo con nhỏ - những người chưa được tiêm vaccine, chưa hề có miễn dịch – ra đường.

"Có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng. Để dịch bùng lên lại thì chúng ta lại phải giãn cách lại từ đầu" – ông nói.

Thành quả chống dịch có bền vững hay không phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Để giữ vững thành quả đã đạt được, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, PGS Phu cho rằng càng phải cẩn trọng cao độ. Nếu chúng ta chủ quan, đặc biệt là không kiểm soát tốt người đi từ vùng dịch về, nguy cơ dịch sẽ tái diễn.

TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, bày tỏ lo ngại về khả năng lây nhiễm trong "biển người" vào đêm qua ở Hà Nội. Bà cho rằng những hình ảnh người dân đổ ra đường chơi Trung thu tối 21/9 rất "đáng buồn".

Lo ngại thứ nhất của bà Thu Anh là nhiều gia đình mang trẻ em đi chơi Trung thu, mà đây là đối tượng hoàn toàn không có miễn dịch, lại không được tiêm vaccine nên nguy cơ lây nhiễm lớn hơn rất nhiều.

Đặc điểm của trẻ em khi nhiễm nCoV là khả năng chuyển nặng thấp, nhưng tải lượng virus lại rất lớn, là trung gian truyền bệnh rất lý tưởng của virus. Việc đưa trẻ em đến nơi đông người có thể khiến dịch bùng phát nhanh, mạnh hơn nếu trong đám đông có nguồn lây.

Lo ngại thứ hai là hầu hết người dân thủ đô cũng mới được tiêm một mũi vaccine, lượng kháng thể vẫn còn rất thấp, gần như không thể miễn dịch nếu tiếp xúc gần với F0.

"Tình huống xấu nhất là sau đêm Trung thu, dịch lây lan âm thầm từ người trong đám đông và phải mất 1-2 tuần sau mới phát hiện được. Nếu Thành phố lại phải quay lại siết chặt giãn cách xã hội thì thiệt hại đối với TP và người dân rất nặng nề", bà Thu Anh cho biết.

Bác sĩ lo ngại nhiều kế hoạch của Thành phố có thể bị ảnh hưởng, trong đó nguy hiểm nhất là việc học sinh không thể trở lại trường học trong thời gian tới.

Nhấn mạnh người dân có vai trò trung tâm của công tác phòng, chống dịch cũng như đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, bà Thu Anh đề nghị người dân cần có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Nỗ lực của Chính phủ, TP.Hà Nội có thể đổ bể nếu người dân không hợp tác, bỏ ngoài tai khuyến cáo của cơ quan chức năng.

"Chính phủ, Thành phố đã nỗ lực hết sức để chống dịch, giữ gìn sức khỏe cho nhân dân. Toàn bộ chi phí xét nghiệm, vaccine, điều trị đều được miễn phí, vậy tại sao chúng ta không ủng hộ, hỗ trợ hết mức trong khả năng của mình để những nỗ lực đó không bị bỏ phí", vị chuyên gia nhấn mạnh.

 

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian từ 18h00 ngày 21/9 đến 6h00 ngày 22/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1 ca dương tính với SARS-CoV-2. Ca mắc mới ở quận Thanh Xuân, là người đã được cách ly tập trung từ trước đó và thuộc chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt.

Bệnh nhân là N.T.M.P, nữ, sinh năm 1985, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân N.C.K, đã được xét nghiệm âm tính và cách ly tập trung. Ngày 20/9, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận tổng số 3.945 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.347 ca.

Các quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh là Thanh Xuân (741), Đống Đa (402), Thanh Trì (389), Hoàng Mai (381), Đông Anh (375), Hai Bà Trưng (315), Thường Tín (164), Hà Đông (145).

 

Hà Lan