Bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây

22:40 | 04/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm diễn biến theo xu hướng ổn định tương đối, không có bất thường. Mặc dù 6 tháng đầu năm, có rất nhiều yếu tố trong và ngoài nước tác động đến nền kinh tế.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2019”.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong hội thảo, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng; kinh tế-xã hội trong nước có những thuận lợi từ kết quả phát triển tích cực trong năm 2018 nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng; sự tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực…

Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần thứ hai trong năm hạ dự báo mức tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống 3,3%, thấp hơn 0,2% so với dự báo 3,5% trước đây; thị trường tài chính-tiền tệ toàn cầu có nhiều bất ổn do tác động của hàng loạt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, trừng phạt kinh tế, chiến tranh thương mại, đánh thuế trả đũa lẫn nhau… ở nhiều quốc gia làm cho các nhà đầu tư không an tâm; giá của nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu và tỷ giá USD biến động mạnh.

Bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây - ảnh 1
 
Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019… Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động và triển khai nhiều biện pháp ứng phó với biến động thị trường nhằm ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
Từ những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong ổn định kinh tế đất nước: GDP 6 tháng đầu năm 2019 ước tính tăng 6,76% so với cùng kỳ năm 2018 (tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 là 7,05%, nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011 – 2017); CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm 2017 – 2019; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 1,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 (chỉ tiêu này của năm 2017 và 2018 là tăng 1,52% và 1,35%)…
Nhìn nhận về tình hình thị trường 6 tháng đầu năm 2019, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế chia sẻ: Các yếu tố tác động đến CPI, ngoài yếu tố thị trường, còn yếu tố điều hành của Chính phủ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi sát sao những diễn biến thị trường, giá cả trong nước và quốc tế, Ban điều hành giá cũng theo dõi để kịp thời đưa ra các kịch bản về lạm phát nhằm tham mưu cho Chính phủ trong điều hành giá cả nhằm kiểm soát lạm phát.
Ngay từ đầu năm và hằng tháng có kịch bản, rà soát lại sau mỗi tháng, cập nhật các biến động để tham mưu điều chỉnh chính sách kịp thời. Chính phủ quyết tâm kiểm soát CPI ở mức dưới 4% là có thể thực hiện được, nhưng cũng không thể chủ quan.
Đặc biệt, Chính phủ kiên trì triển khai những nhóm giải pháp lớn nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng. Trong đó, tiếp tục chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động để kiểm soát lạm phát. Chính phủ yêu cầu tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết kịp thời vướng mắc tại các dự án.
Bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây - ảnh 2
 Bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tuy nhiên,  PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam… Đặc biệt là cần thúc đẩy ngay tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, không để dồn vào những tháng cuối năm; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019.
Còn dự báo về tình hình thị trường 6 tháng cuối năm 2019, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, trong những tháng tiếp theo tình hình thế giới vẫn diễn biến khó lường. Cuộc gặp cấp cao bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản) đã giúp hai nước Mỹ, Trung nối lại đàm phán, nhưng liệu chiến tranh thương mại giữa hai nước có chấm dứt hay không thì câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Bên cạnh đó, trong nước theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Consulting, do dịch tả lợn châu Phi, ước tính từ tháng 7/2019 đến gần tết Nguyên đán năm sau, Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt lợn. Nguồn cung thiếu hụt dẫn đến khả năng tăng nhập khẩu, tăng giá bán lẻ và tăng mua các loại thịt thay thế và thịt có thương hiệu.
Trong khi đó, tại TPHCM, Cục Hải quan cho biết lượng thịt lợn nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm, tính đến ngày 19/6 khoảng 4.000 tấn thịt đông lạnh, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Việc tăng nhập khẩu, cộng thêm việc các hộ chăn nuôi chưa dám mạnh dạn tái đàn sẽ khiến giá thịt lợn tăng mạnh và tác động đến chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng cuối năm. Đồng thời nó cũng là áp lực tăng giá các mặt hàng khác.
Từ tình hình trên, ông Hùng kiến nghị Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả và kiểm soát tốt thị trường; không để mất cung cầu và xảy ra các tệ nạn hàng giả, hàng không; bảo đảm chất lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an sinh xã hội.