Bộ Công Thương: Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhất định khi thanh toán bằng yen Nhật

Uyên Hương 10:12 | 26/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đại diện Bộ Công Thương, việc đồng yen Nhật mất giá có ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp có hợp đồng thanh toán bằng đồng yen Nhật.

Liên quan đến việc thời gian gần đây đồng USD và yen Nhật liên tục biến động có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam mà cụ thể là doanh nghiệp xuất khẩu, chia sẻ với phóng viên TTXVN, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát tại Mỹ đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Đặc biệt, trước bối cảnh giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới tăng mạnh, những chính sách này có những tác động nhất định đến xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Do đó, việc đồng yen Nhật mất giá có ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp có hợp đồng thanh toán bằng đồng yen Nhật.

Theo đại diện Bộ Công Thương, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, với cùng một lượng yen Nhật thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đối với doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản, chi phí sẽ rẻ hơn nên việc nhập khẩu sẽ có lợi hơn.

Về lâu dài, đồng nội tệ yếu làm hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, làm người tiêu dùng Nhật Bản có thể hạn chế chi tiêu hàng hoá nhập khẩu không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường; trong đó, có Việt Nam.

Ngoài ra, liên quan đến việc khi đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác; trong đó, có VND sẽ tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Tỷ giá tăng giúp tăng tính cạnh tranh về giá cho hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam nhưng tạo thêm áp lực về chi phí cho các nhà nhập khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, ổn định tỷ giá đóng vai trò quan trọng trong giảm áp lực lên nhập khẩu, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Về lâu dài, việc Fed nâng lãi suất làm mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên, đồng nghĩa với việc chi phí vay nợ của doanh nghiệp và người dân tăng lên, có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường thế giới có những biến động nhanh và khó lường, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó đặc biệt là thông tin thị trường, thúc đẩy tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đang tiếp tục được giảm thuế theo lộ trình cam kết.

Cùng đó, việc kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, ứng dụng môi trường Internet; phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Trước đó, đồng yen của Nhật Bản đã chịu nhiều áp lực giảm giá trong năm 2022. Trong diễn biến mới nhất, sáng 14/7, tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 24 năm là 137,99-138 yen đổi 1 USD.

Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yen giảm mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ là do các nhà đầu tư lo ngại chênh lệch lãi suất giữa hai nền kinh tế sẽ nới rộng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất ở mức mạnh nhất trong hơn 30 năm (1 điểm phần trăm) tại cuộc họp chính sách hai ngày 26-27/7 tới để đối phó với lạm phát kỷ lục trong hơn 40 năm, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

Hơn nữa, sự suy yếu kéo dài này của đồng yen sẽ thúc đẩy lạm phát và làm giảm chi tiêu tiêu dùng, từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.