Bộ Công Thương không tính đến chuyện điều chỉnh giá điện
Tại buổi họp báo Bộ Công Thương chiều nay (30-9), Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thông tin cụ thể, ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, theo cơ chế hằng năm, đặc biệt là dựa trên biến động các thông số đầu vào như: Giá phát điện, truyền tải, phân phối…
Nếu trong năm có những biến động mạnh về thông số đầu vào, giá bán điện sẽ được điều chỉnh. Thời gian qua, giá bán lẻ điện đã góp phần đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, cung ứng điện.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi các chỉ số kinh doanh, biến động phụ tải, kinh doanh điện, chi phí truyền tải, phân phối, để thực hiện điều hành giá điện theo đúng quy định của Chính phủ”, ông Trần Tuệ Quang nhấn mạnh.
Cũng tại buổi họp báo , ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, việc phía Trung Quốc đang xảy ra thiếu điện dẫn đến phải đóng cửa một số nhà máy chưa ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất của nước ta.
Phân tích cụ thể tình hình, ông Nguyễn Ngọc Thành chỉ rõ, năm 2020, một số ngành sản xuất của nước ta đã đối mặt với việc thiếu nguyên liệu, do đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp như dệt may, da giày, các ngành công nghiệp nặng… Để khắc phục, thời gian qua, các doanh nghiệp đã thích ứng, chủ động được nguồn cung này.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam phải dừng hoạt động, do đó, nhu cầu nguyên liệu đầu vào chưa thể hiện rõ sự thiếu hụt và doanh nghiệp chưa thông tin tới cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, cơ quan này sẽ bám sát tình hình, nếu có sự biến động đầu vào các nguyên liệu trong ngành công nghiệp thì sẽ kịp thời phản ánh và đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Tính đến ngày 23-9, tổng lượng nước tích được ở các hồ này chỉ đạt khoảng 9,76 tỷ mét khối, tương ứng 64,6% dung tích hữu ích. Dự kiến, đến ngày 31-12, tổng lượng nước tích được của các hồ chứa trên lưu vực sông Đà chỉ đạt 13,3 tỷ mét khối, thiếu hụt khoảng 1,78 tỷ mét khối so với mực nước dâng bình thường nếu tần suất nước về tiếp tục duy trì như thời gian qua.
Việc này sẽ dẫn đến khả năng không tích đủ nước hồ chứa để phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (dự kiến cần 3,4 tỷ mét khối), cũng như bảo đảm nước phát điện trong các tháng mùa khô năm 2022. Bởi vậy, EVN đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà nghiên cứu giải pháp chủ động sản xuất, hạn chế phụ thuộc vào việc vận hành Nhà máy Thủy điện Hò.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã bám sát diễn biến dịch bệnh, linh hoạt trong điều hành và tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt, nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặt ra.
Trong quý III, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 4,45% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 8 đến nay. Tuy nhiên, mức suy giảm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tháng 9 thấp hơn.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD.
Trong tháng 9, dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 6,5% so với tháng trước và giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước. “Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu có tác dụng, sản xuất công nghiệp, thị trường hàng hóa tháng 9 đã có dấu hiệu khởi sắc. Từ tháng 10-2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan như hiện nay, sản xuất công nghiệp, thị trường hàng hóa trong quý IV sẽ tăng trưởng cao hơn quý III, góp phần thực hiện mục tiêu năm 2021.
Từ nay tới cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.
Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Bộ sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nước ta có thế mạnh. Đồng thời, triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại trực tuyến, đẩy mạnh kích cầu thị trường trong và ngoài nước.