Bộ GTVT dự kiến rót tiền để khởi công 67 dự án, có loạt cao tốc ở Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai

Nguyễn Minh Quyết 14:16 | 30/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông sẽ được khởi công giai đoạn 5 năm tới, trong đó đáng chú ý có cao tốc Bắc - Nam, Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM.

Dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ bố trí vốn để triển khai khởi công mới 67 dự án.

Trong đó, 6 dự án quan trọng quốc gia gồm 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM; dự án mở rộng cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây (nguồn vốn ODA).

Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188.20 km, có điểm đầu kết nối đường quốc lộ 91 (N1) thuộc xã Vĩnh Tế TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Điểm cuối dự án là nút giao với quốc lộ Nam Sông Hậu (cảng Trần Đề), tỉnh Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư cao tốc giai đoạn 1 là 47.435 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP, loại hợp đồng BOT.

Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đang có ba phương án đầu tư với chiều dài tương ứng khoảng 118 km, 123 km và 130 km. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho phương án 1 là 24.349 tỷ đồng, phương án 2 cần 16.755 tỷ đồng và phương án 3 cần 18.726 tỷ đồng. 

Vành đai 4 - vùng Thủ đô có tổng vốn đầu tư hơn 94.000 tỷ đồng. (Đồ họa: Alex Chu).  

Vành đai 4 - vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 111,2 km, gồm 102,2 km đường vành đai 4 và 9 km tuyến trên cao nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long.

Dự án có đoạn qua Hà Nội dài 58,2 km, đoạn qua Hưng Yên dài 19,8 km và đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 24,2 km.

Đoạn đầu tuyến tại khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long thuộc địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Tuyến nối từ cuối dự án theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường vành đai 4 theo quy hoạch, dài khoảng 9 km.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 94.127 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (31.904 tỷ đồng), ngân sách địa phương (33.583 tỷ đồng), vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Riêng hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến vành đai 4.

Tuyến đường vành đai 3 TP HCM dài 89 km (đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An), quy mô từ 6-8 làn xe. Đến nay, mới chỉ có 16,3 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa  vào khai thác, chiếm 18,3% chiều dài toàn tuyến.

Dự án mở rộng tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và các công trình trên tuyến có chiều dài khoảng 23,76 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh cho đoạn tuyến đề xuất mở rộng chưa gồm lãi vay vào khoảng 16.379 tỷ đồng, tương đương 715,9 triệu USD.

Ngoài ra, giai đoạn 5 năm tới cũng sẽ đầu tư 10 dự án nhóm A bao gồm 4 dự án PPP cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Dầu Giây-Tân Phú, Chơn Thành-Đức Hòa,  An Hữu-Cao Lãnh; dự án cầu Rạch Miễu 2; năm dự án vốn ODA cầu Đại Ngãi, mở rộng các cầu trên Quốc lộ 1, cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh, cao tốc Hà Giang với Nội Bài-Lào Cai, Logistics khu vực phía Nam. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đầu tư 51 dự án nhóm B và C.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 3/10 dự án nhóm A. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt theo thẩm quyền 42/51 dự án nhóm B, C; đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia. Như vậy, còn lại 4 dự án quan trọng quốc gia, 7 dự án nhóm A và 9 dự án nhóm B và C chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Riêng đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư vào phiên họp chuyên đề  vào đầu tháng 12.