Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Nguyễn Hoàng Cường 17:17 | 24/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhằm phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, hiện thực hóa vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước diễn ra hôm nay (24/3), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, qua đó, góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy đạt được một số kết quả quan trọng nêu trên, hoạt động và đóng góp của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối.

Các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy. Việc tái cơ cấu toàn diện DNNN mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn, mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.

Một số DNNN thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP

Các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN

Trong bối cảnh Chính phủ đang tiếp tục nỗ lực xây dựng các giải pháp thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đề xuất một số định hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Thứ nhất, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để DNNN thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt; cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu tốt hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 như Đại hội XIII đã xác định.

Thứ hai, cần gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước (như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia…).

Thứ ba, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi DNNN, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực DNNN, mà tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng DNNN nói riêng.

Thứ tư, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN, tài sản Nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát; qua đó, có định hướng phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN.

Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.

Thứ sáu, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thông qua việc phân công một Bộ làm đầu mối quản lý nhà nước thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu, xây dựng định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó là xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao hiệu quả giám sát hơn theo các phương thức; nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với quản lý cấp cao của doanh nghiệp.