Vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ​

Thùy Dương/ TTXVN 15:20 | 14/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước; trong đó 673 doanh nghiệp nhà nước và 153 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng tài sản là hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020.

Cùng với đó, tổng doanh thu đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước là hơn 320.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa. Bên cạnh đó, tổng nợ phải trả là hơn 1,9 triệu tỷ đồng tỷ đồng, tương đương so với năm 2020. Trong số đó, nợ ngắn hạn chiếm 53% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp Trung ương.

Về tình hình sản xuất kinh doanh, theo báo cáo, tổng doanh thu từ báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020.

Các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có số tổng doanh thu lớn tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô lớn. Đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với hơn 440.000 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là hơn 380.000 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội gần 150.000 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là hơn 114.000 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam là 54.674 tỷ đồng...

Báo cáo cũng cho thấy, năm 2021, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp bắt đầu vực dậy và phát triển trở lại, một số Công ty mẹ có tổng doanh thu tăng trên 30% so với năm 2020. Điển hình như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tăng 156%; Tổng Công ty Hợp tác kinh tế tăng 87%; Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất tăng 77%; Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc tăng 66%, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tăng 41%...

Liên quan đến tình hình lỗ lãi, Bộ trưởng Tài chính cho biết, lãi phát sinh trước thuế theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt gần 157.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020. Các đơn vị có lãi phát sinh trước thuế cao trên 5.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu ở những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam lãi gần 52.000 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội lãi gần 37.000 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam lãi gần 18.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra vẫn có một số doanh nghiệp lãi phát sinh trước thuế năm 2021 giảm sâu như: Công ty mẹ - Tổng Công ty Giấy Việt Nam có lãi phát sinh trước thuế là 1 tỷ đồng tương ứng giảm 90%; Công ty mẹ - Tổng Công ty vận tải Hà Nội có lãi phát sinh trước thuế là 1,5 tỷ đồng tương ứng giảm 90% (doanh thu giảm dẫn đến lãi phát sinh trước thuế giảm); Công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) có lãi phát sinh trước thuế là 163 tỷ đồng tương ứng giảm 52%, doanh thu giảm 42% so với năm 2020…

Cũng theo báo cáo, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 220.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Những đơn vị có số thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước lớn như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là gần 73.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Công nghiệp Viễn thông quân đội là gần 32.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực Việt Nam là gần 28.000 tỷ đồng…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá vẫn còn hạn chế như: một số doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả chưa được giải quyết triệt để  làm ảnh hưởng đến việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước do còn những vướng mắc. Đến nay, đã xử lý đưa ra khỏi danh sách 3 dự án, còn 9 dự án vẫn đang tiếp tục xử lý, xong tình hình hoạt động rất khó khăn và còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.

Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn vừa qua hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai. Hoặc, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.

Ngoài ra,  tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện, cơ chế, chính sách quản lý còn bất cập; chưa tạo điều kiện phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, báo cáo cho rằng cần quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu Nhà nước được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ Luật dân sự bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp.

Về xử lý dự án thua lỗ, kém hiệu quả, phải tạo cơ chế để doanh nghiệp chủ động, tự chủ trong xử lý dự án theo nguyên tắc thị trường. Nhà nước có giải pháp sử dụng hợp lý, hợp pháp nguồn lực để hỗ trợ việc giải thể, phá sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, của Nhà nước đảm bảo các yêu cầu về an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường, các cam kết quốc tế và ổn định xã hội.