Thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

Thùy Dương 06:45 | 18/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đổi mới, cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, những nút thắt về cơ chế chính sách đã được cơ quan quản lý nhà nước nỗ lực tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chỉ rõ các tồn tại vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay như tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành; nguồn thu cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng, tức là cổ phần hóa rất chậm.

Theo Bộ trưởng, việc xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Sau khi kiểm toán thì giá trị tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần. Điều này cho thấy xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất.

"Việc tính giá trị một lần không sát giá thị trường; ngoài ra, dù có sát thị trường thì sau 10 năm, 20 năm, giá trị lại khác… Đây là lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc nộp tiền thuê đất một lần thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác… Chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, dẫn tới thất thoát", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho rằng việc sắp xếp nhà đất vẫn còn có những quy định chưa rõ ràng như xác định lợi thế thương mại, liên danh liên kết… Bên cạnh đó, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua quyết tâm chưa cao nên tiến độ chưa đạt yêu cầu… đây là vấn đề cần tìm giải pháp.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng; trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch). Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020 đạt 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Văn Đức, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong số đó có nguyên nhân chủ quan từ tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; đa số các tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa...

Ông Lê Thanh Tuấn, Trưởng ban Đầu tư 4, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng cho rằng việc tách riêng giá trị thương hiệu, văn hoá lịch sử để định giá trong nhiều trường hợp là chưa thực sự hợp lý. Theo đó, khi xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn định giá căn cứ vào nhiều yếu tố như quy mô, đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, thời gian thực hiện… để lựa chọn phương pháp định giá phù hợp.

Để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn tới, ông Phạm Văn Đức đề xuất, trong thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Cùng với đó, cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, thời gian tới, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát, nghiên cứu quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.

Đặc biệt, cần đổi mới cách thức thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và việc tăng tính chủ động cho doanh nghiệp nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.