Bộ Tài chính: Có thể có gói lãi suất doanh nghiệp, chưa quyết định quy mô các gói kích cầu tổng thể
Ông Hồ Đức Phớc tiết lộ rằng theo nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định bội chi thực hiện theo nguyên tắc, trong giai đoạn 5 năm tới là 3,7%. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải chấp nhận bội chi tăng lên. Còn sau đó khi nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển thì giảm xuống.
Từ đó, ông Phớc cho biết hiện bộ Tài chính đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế theo hướng đề xuất đưa ra một số chính sách tài khóa.
Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm đang được cơ quan có thẩm quyền cân nhắc. Dự tính quy mô sẽ rơi vào khoảng 10.000-20.000 tỷ đồng.
Thông tin thêm, Bộ đang bắt tay nghiên cứu phát hành công trái, trái phiếu ngoại tệ trong nước.
Hiện tại, theo Bộ trưởng thì các gói tổng thể đang thiết kế nên chưa có số lượng cụ thể. Cơ quan tham mưu sẽ đưa ra nhiều phương án để trình các cấp
Về vấn đề tăng nguồn thu cho ngân sách, các cơ quan chức năng sẽ tập trung thu thuế những nền tảng còn dư địa như tăng thu trong nền tảng số, bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới; đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Đồng thời triển khai việc thực hiện thắt chặt chi tiêu một hoạt động ở cơ quan nhà nước như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị.
Trước đó, tại ngày khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV hôm 20/10, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết với tác động nghiêm trọng của Covid-19, mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội là cấp bách. Việc này càng quan trọng trong bối cảnh GDP quý 3 giảm mạnh.
Ông Cường đề nghị Chính phủ cần chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng
Gói kích thích này cần được xây dựng trên cơ sở đồng bộ chính sách tài khoá, tiền tệ; nghiên cứu lựa chọn đối tượng phù hợp để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất và có chính sách thu phù hợp, tính đến miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí. Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng lưu ý Chính phủ cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... trong phương án xây dựng gói kích thích kinh tế.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng: Gói kích thích kinh tế cần được xây dựng với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, lan toả và bảo đảm mục tiêu phục hồi kinh tế, an sinh xã hội.
Góp ý cho các cơ quan có thẩm quyền, Ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định rằng khả năng phục hồi kinh tế lần này sẽ không nhanh như năm 2020.
Sau lần giãn cách năm 2020 doanh nghiệp không bị phá sản, các nhà máy chỉ tạm thời đóng cửa, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong nước vẫn phát triển bình thường nhưng lần này sau 4 tháng đóng cửa thì rất nhiều doanh nghiệp cũng phải ra đi, bây giờ cho phép cũng không hoạt động được, rồi rất nhiều lao động cũng về quê. Từ đây, ông thấy rằng đó là sự thiếu hụt các yếu tố tạo ra tăng trưởng. "Phải có các gói kích thích kinh tế để tạo nguồn lực tự nhiên, cụ thể ở đây là vốn" - lời ông Cường.
Ngoài việc đề cập đến tầm quan trọng của gói lãi suất, ông Cường cho biết nhà nước cần phải đưa ra các gói kích cầu. Chính phủ hiện nay đang đưa ra một số gói kích cầu như: Hỗ trợ DN, người lao động mất việc làm, thậm chí là gói 38 ngàn tỷ lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để trả cho người lao động.
Ngoài ra, phải kích cầu tiêu dùng Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ phải tăng cầu tiêu dùng như tăng mạnh đầu tư công của Chính phủ. "Trong năm 2021 đầu tư công tăng rất chậm, nếu không tăng nhanh thì không có nguồn lực để bơm vào nền kinh tế, không tạo việc làm cho dự án đấy và không tạo ra việc làm cho DN", ông Cường phân tích.
Vị đại biểu quốc hội của thành phố Hà Nội còn tin rằng Chính phủ phải mạnh dạn hơn nữa đặt hàng cho các tập đoàn, các DN, các nhà đầu tư tư nhân tạo dựng lại các sản phẩm, đặc biệt vấn đề liên quan đến phát triển các hệ thống hạ tầng như hạ tầng cốt lõi mà nó làm thay đổi được trạng thái nền kinh tế.