Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Đông Bắc 10:20 | 16/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2024. Theo đó, mức giảm với mặt hàng xăng là 2.000 đồng/lít, mặt hàng dầu từ 600 - 1.000 đồng/lít.

 

 

 Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu năm 2024. Ảnh Đông Bắc.

 Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin ý kiến về dự án nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2024.

Theo nội dung công văn, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức giảm thuế như quy định tại Nghị quyết số 30 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mức thuế bảo vệ môi trường với xăng  giảm 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn ở mức 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa ở mức 600 đồng/lít.

Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tức là, thuế bảo vệ môi trường với xăng về mức 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 2.000 đồng/lít; dầu hỏa 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 2.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 sẽ góp phần ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thuế bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu trong nước nên việc điều chỉnh mức thuế này sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Bộ Tài chính dự kiến, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương năm 2023, nếu đề xuất được thông qua, số thu thuế từ xăng dầu sẽ giảm khoảng 39.000 tỷ đồng.

 Bộn Công Thương đề xuất mới về điều hành xăng dầu. Ảnh BTC.

Liên quan đến vấn đề xăng dầu , Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất Nhà nước vẫn công bố giá xăng dầu, nhưng kỳ điều hành rút ngắn từ 10 xuống 7 ngày và không có mức chiết khấu cố định cho các đại lý.

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Văn Phòng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 và 95 kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ này nêu hai phương án điều hành giá xăng dầu.

Phương án 1: Giữ nguyên như hiện nay nhưng rà soát và sửa quy định về phương thức, tần suất xác định các chi phí để tính đúng, đủ và kịp thời hơn cho doanh nghiệp.

Phương án 2: Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, doanh nghiệp đầu mối trên cơ sở này sẽ tự xác định, công bố giá bán lẻ. Sau đó họ báo cáo về liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.

Sau phân tích và ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giữ nguyên cách điều hành giá như hiện nay để kiểm soát nguồn cung, giá bán trong nước. Tuy nhiên, thời gian rà soát các chi phí đưa vào giá xăng dầu được đề nghị rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Thời gian giữa hai chu kỳ điều hành giá cũng rút ngắn từ 10 ngày hiện tại xuống 7 ngày, cố định vào thứ năm hàng tuần.

Với đề xuất của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trước đây về việc cần quy định "cứng" mức chiết khấu (thù lao kinh doanh), Bộ Công Thương "bác" đề nghị này, vì theo Thông tư 104/2021 của Bộ Tài chính mức chiết khấu cho các đối tượng liên quan khi tham gia vào chuỗi cung ứng xăng dầu đã được tính trong chi phí kinh doanh định mức.

Theo Bộ Công Thương, chiết khấu do các doanh nghiệp tự thỏa thuận, đây cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thị phần.

"Không cần quy định mức chiết khấu cụ thể tại công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Nếu nghị định cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua nhiều nguồn, điều chỉnh thời gian rà soát, công bố các chi phí giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng, và rút ngắn thời gian điều hành thì vấn đề chiết khấu sẽ được giải quyết", Bộ Công Thương nêu quan điểm.