Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Phấn đấu GDP năm nay đạt từ 2 – 2,5%”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định cả nước phải nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu GDP năm nay đạt từ 2-2,5%.
Sáng 4/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường ký tháng 8 năm 2020 cùng các cơ quan ban ngành liên quan. Báo cáo trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những đánh giá, phân tích cũng như những giải pháp đối phó với các dự báo có khả năng xảy ra ở trong nước cũng như quốc tế trong thời gian tới.
Diễn biến trong nước và quốc tế còn rất phức tạp
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những hậu quả do COVID-19 gây nên vẫn tiếp tục đem lại những rủi ro, phức tạp cho tình hình kinh tế thế giới và khu vực. Không ít nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt với làn sóng bùng phát thứ hai của đại dịch. Dù vậy, điều này không ngăn được sở mở cửa của các nền kinh tế này. Đi kèm theo đó là sự thận trọng trong việc nới lỏng từ trạng thái giãn cách sang trạng thái bình thường trở lại.
Kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 tạo nên tác động nặng nề ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Những động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam như xuất khẩu và tiêu dùng trong nước ngày càng bị xói mòn phát triển. Ngành du lịch và nhiều ngành xuất khẩu đang mất đi lượng lớn khách hàng tiềm năng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 9/4. Ảnh: VGA
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dự báo nền kinh tế trong nước tiếp tục sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Trong đó, nổi bật nhất là ảnh hưởng càng sâu rộng (trực tiếp và gián tiếp) của dịch COVID-19 lên các ngành nghề kinh doanh. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế cũng có khả năng diễn biến phức tạp hơn hay các thiết chế tài chính công khó khăn, đối mặt với rủi ro cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Dự đoán kịch bản tăng trưởng năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tất cả các khu vực kinh tế đều bị ảnh hưởng khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2 ở Việt Nam. Những khu vực kinh tế chưa kịp hồi phục sau lần bùng phát lần thứ 1 sẽ là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Phấn đấu GDP năm nay đạt từ 2-2,5%”
Tuy gặp muôn vàn khó khăn nhưng Chính phủ vẫn kiên định với “mục tiêu kép”: Đẩy lùi dịch bệnh an toàn gắn với phát triển kinh tế, bảo đảm vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế. Chính phủ sẽ quyết tâm giữ mức tăng trưởng cả năm đạt khoảng 2%, nếu thuận lợi sẽ phấn đấu dạt 2,5%.
Chỉ ra kế hoạch thực hiện mục tiêu đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần đẩy mạnh triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội người dân và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…
Các cấp, các ngành, các địa phương không được lơ là, chủ quan, cần quyết liệt đẩy mạnh việc phòng chống, ngăn ngừa, dập dịch đi kèm với chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ về các biện pháp phòng, chống dịch tới người dân kết hợp với rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các đường mòn trên các tuyến biên giới, người nước ngoài nhập cảnh, tiến hành xử lý nghiêm các đường dây đưa người vượt biên nhập cảnh trái phép.
Các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cũng cần quyết lực thực hiện nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đây chính là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Tập trung đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường ký tháng 8. Ảnh: VGA
Liên quan đến các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Các chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ đưa ra đến nay là tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể và đúng đối tượng. Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách đến nay đã hết hạn hoặc chưa phát huy tác dụng trên thực tế do chậm thể chế hóa, chưa được tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt; điều kiện, thủ tục khá phức tạp.
Để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc duy trì, phấn đấu tăng trưởng dương năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng dự thảo Báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ khắc phục các khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay.