Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ ra cơ hội 'ngàn năm có một' để phát triển đất nước

Ngọc Bảo 07:25 | 10/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, việc tập trung đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực ngành này là vô cùng chiến lược. Quốc gia nào đào tạo được sẽ thành công, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội "ngàn năm có một" để phục vụ xây dựng đất nước.

Tại tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghệ, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao.

Tại Việt Nam, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đã xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn. 

“Cả thế giới hiện nay đều thiếu nguồn nhân lực, mà Việt Nam thì lại có. Vì vậy, việc tập trung đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực ngành này là vô cùng chiến lược. Quốc gia nào đào tạo được sẽ thành công. Nếu không kịp sẽ bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một để phục vụ xây dựng đất nước”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Chính vì vậy, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhằm nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam  

Cùng với đó, Bộ KH&ĐT đang trình Chính phủ “Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050” với mục tiêu Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

“Đề án đang đang ở giai đoạn lấy ý kiến lần cuối cùng của bộ ngành và địa phương, nếu không còn vấn đề nữa, Chính phủ sẽ quyết tâm ban hành trong tháng 8. Đây là những bước đi hết sức chủ động nhằm phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Đẩy mạnh hợp tác ba bên

Cũng theo Bộ trưởng, trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, sự hợp tác giữa ba bên (Chính phủ - Viện, Trường - Doanh nghiệp) từ quá trình xây dựng chương trình, tuyển chọn học viên, tổ chức đào tạo và thực hành là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam.

"Mỗi người trong số các sinh viên, giảng viên, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp liên quan, hãy nắm lấy cơ hội này với niềm đam mê và quyết tâm cao khi đứng trước ngưỡng cửa gia nhập sân chơi bán dẫn toàn cầu”, Bộ trưởng nêu rõ.

Đại diện cho các địa phương, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như: Synopsys, FPT, Viettel, Savarti, Renesas, Synapse… với khoảng 550 kỹ sư. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố chiếm gần 10%.

Trong khi đó, Đà Nẵng dự kiến xác định mục tiêu đến năm 2030 đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Trong đó, 2.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực thiết kế và 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực đóng gói, kiểm thử.

Vì vậy, Đà Nẵng quyết định xây dựng Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên cơ sở là nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại thành phố, đồng thời, hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp cho các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước mà thành phố đã và đang thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư.

Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Cùng với đó, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng đề nghị Bộ KH&ĐT sớm trình Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, trong đó, phân bổ các nguồn lực thích hợp, tập trung tạo điều kiện cho các địa phương có thế mạnh trong đó có thành phố Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn.

Cùng với đó, sớm có phương án đầu tư Trung tâm phục vụ công nghiệp bán dẫn quốc gia tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư tại Việt Nam.

Đồng thời, có cơ chế thành lập các Quỹ đầu tư, Quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn cấp quốc gia để hỗ trợ cho các địa phương, trong đó có Đà Nẵng đến làm việc và thu hút các tập đoàn quốc tế hỗ trợ cho hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam.

Theo thông tin từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, mô hình đào tạo kết hợp giữa 3 nhà: Nhà nước (bao gồm các cơ quan trung ương và địa phương) - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, mỗi năm có thể đào tạo được khoảng 540 kỹ sư thiết kế vi mạch. Nếu nhân rộng mô hình này tại 10 cơ sở đào tạo và địa phương, mỗi năm sẽ có thể đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chất lượng.

Đến năm 2030, cả nước có thể đào tạo được ít nhất là 25.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Điều này cho thấy mục tiêu đến năm 2030 chúng ta sẽ đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn là khả thi.