Bộ trưởng Công Thương: Sẽ không nhập khẩu xăng dầu nếu Nghi Sơn đáp ứng đủ nguồn cung như cam kết

11:56 | 16/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định vai trò nhà máy lọc dầu là ẩn số trong bài toán nguồn cung trong nước. Có những lúc Việt Nam không có nhà máy lọc dầu nào nhưng cũng không thiếu xăng dầu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vai trò của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn là gì khi nguồn cung trong nước thiếu dẫn đến phải nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định "đây là ẩn số trong bài toán nguồn cung trong nước".

Theo bộ trưởng, có những lúc Việt Nam không có nhà máy lọc dầu nào nhưng cũng không thiếu xăng dầu. Các nước bên cạnh cũng không có nhà máy lọc dầu cũng không thiếu hàng. Giả định các nước có nhà máy lọc dầu nếu không áp dụng chính sách thuế và quỹ bình ổn cũng không có giá chênh lệch quá xa thế giới. 

Nhà máy Bình Sơn hoạt động tương đối ổn định nhưng chỉ cung ứng khoảng 30 - 35% nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với các đối tác nước ngoài và hoạt động không hiệu quả. 

Khó khăn nội tại của Nghi Sơn là vấn đề tài chính là chủ yếu. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào của Nghi Sơn nhập hoàn toàn từ Kuwait. Trong bối cảnh giá dầu thô tăng và khan hiếm nguồn cung như hiện nay, cộng thêm khó khăn tài chính của Nghi Sơn, nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng.

Hiện, PVN với tư cách là cổ đông cũng đã báo cáo với Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đang phối hợp cơ quan chức năng để yêu cầu 2 liên doanh còn lại cung ứng đủ lượng xăng dầu như đã cam kết. 

"Khi nào PVN cam kết trước Bộ Công Thương rằng sản lượng Nghi Sơn cung ứng ra thị trường được đảm bảo như thoả thận thì Bộ Công Thương mới dừng kế hoạch nhập khẩu xăng dầu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Sẽ nghiên cứu phương án nâng quy mô quỹ bình ổn giá

Để giải quyết vấn đề nguồn cung, Bộ trưởng Công Thương cho biết trước mắt đẩy mạnh năng lực sản xuất doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các đơn vị vừa khai thác vừa chế biến xăng dầu. 

Điển hình như Bình Sơn, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh việc nâng công suất hoặc ít nhất duy trì như mức hiện tại để giữ nguồn cung trong nước. 

Đối với Nghi Sơn, Bộ Công Thương sẽ kết hợp với PVN và Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước để giải quyết triệt để vướng mắt trong hoạt động kinh doanh, giúp nhà máy giữ cam kết tung ra thị trường 35- 40% nguồn cung. 

Ngoài việc thúc đẩy sản lượng của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn, Bộ sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước sau đó tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu tăng cường quỹ bình ổn giá bằng các các cách khác nhau. 

Hiện hiện nguồn tiền của quỹ bình ổn chủ yếu đến từ việc trích lập trong từng lít xăng bán ra.

"Tương lai, Bộ Công Thương sẽ tham khảo kinh nghiệm các nước, tham mưu để nâng quy mô quỹ bình ổn. Chúng tôi sẽ xem xét tạo nguồn thu cho quy này như nào và từ đâu để có quỹ bình ổn theo đúng nghĩa của nó", Bộ trưởng Công Thương cho biết. 

Giải pháp cuối cùng là tiếp tục tham mưu cho các cấp thẩm quyền để nâng mức dự trữ, dự phòng. Lượng dự phòng không lớn, thời gian dự phòng rất ít chỉ 5-7 ngày. Do đó, bộ trưởng cho rằng thời gian tới nâng dự phòng lên về cả thời gian lẫn lượng. 

"Thay vì dự trữ bằng tiền thì nâng dự trữ bằng hàng, nếu xác định là mặt hàng chiến lược thị nâng ít nhất chục lần. Trong bối cảnh xăng dầu thế giới và thế giới phức tạp nếu không có giải pháp căn cơ thì rất khó khăn", Bộ trưởng nói.