Bộ Y tế: Sẽ sớm bàn về kịch bản khi tiêm đủ 2 mũi vaccine
Thông tin tại phiên Họp báo Chính phủ tối 6/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế sẽ bàn sớm và trước hết sẽ bàn trong nội bộ Bộ Y tế với các nhà khoa học để đưa ra đề xuất phù hợp, sau đó tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành liên quan trước khi trình ra Chính phủ.
Bên cạnh đó việc nghiên cứu vaccine trong nước đang vẫn đang triển khai. Dự kiến trong năm nay sẽ tự chủ được vaccine trong nước. Về việc cấp phép cho vaccine Nanocovax, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, vẫn còn một số tồn tại mà Hội đồng cấp phép kiến nghị cần giải quyết.
Trước hết là tính an toàn cần phải bổ sung thêm dữ liệu an toàn liên quan tới đối tượng được tiêm ít nhất 1 mũi và các sự cố đến thời điểm hiện tại.
Về tính sinh miễn dịch, cần bổ sung, cập nhật dữ liệu đánh giá tính sinh miễn dịch trên các biến chủng mới (ví dụ biến chủng Delta, biến chủng Anh…) và cỡ mẫu đánh giá tính sinh miễn dịch cần thực hiện theo đúng đề cương nghiên cứu đã được thông qua.
Về hiệu quả bảo vệ, Hội đồng cấp phép đề nghị doanh nghiệp phối hợp với nhóm nghiên cứu để phân tích, bàn luận về mối liên quan giữa tính sinh miễn dịch của vaccine và hiệu quả bảo vệ tối thiểu trên 50% (theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới - WHO) dựa trên các dữ liệu y văn.
“Vaccine là sản phẩm đặc biệt, liên quan tới cả cộng đồng và nhiều thế hệ nên chủ trương Thủ tướng và Bộ Y tế chỉ đạo là nhanh chóng nhưng cũng phải chặt chẽ, an toàn, hiệu quả”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Nghiên cứu thí điểm ở phía Nam
Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về việc đi lại, Bộ đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch.
"Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm"- ông Long nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vaccine nên chưa có kế hoạch cụ thể).
Vaccine Covid-19 sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vaccine trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.
Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15/9. Về vaccine cho trẻ em, Thủ tướng đã có chỉ đạo, Bộ Y tế đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết khi hết giãn cách xã hội thì việc tạo điều kiện cho người dân đi làm là chuyện phải làm. Mỗi cơ quan có tỉ lệ đội ngũ nhân viên nhất định không thể ở nhà hoặc những cơ quan hành chính, dịch vụ công cũng phải có người phục vụ. Trong trạng thái bình thường mới, những người đã được tiêm 2 mũi vaccine sẽ được ưu tiên hơn những người đã được tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm.
Tuy nhiên, cần phải xác định tiêm 2 mũi vaccine là giúp bản thân họ nếu không may nhiễm SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít trở nặng. Tỉ lệ tử vong ở những người này theo các báo cáo khoa học là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm 1 mũi.
"Người đã tiêm 2 mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Vì thế, dù có ưu tiên đi làm dịch vụ thì những người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho cộng đồng"- Thứ trưởng Sơn nói.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng vaccine Covid-19 là loại vaccine mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vaccine làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh và mức độ miễn dịch bền vững như thế nào, kéo dài được bao lâu...
Theo nghiên cứu mới đây của CDC Mỹ, nồng độ virus của một số người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm vaccine khi bị nhiễm cao như nhau. Điều này nghĩa là khả năng lây lan cho người khác là như nhau. Tuy nhiên, phải khẳng định việc tiêm vaccine Covid-19 sẽ giúp giảm triệu chứng nặng, giảm nguy cơ nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.
"Việc tiêm vaccine hiện nay chỉ có tác dụng bảo vệ được cá nhân người đó, nhưng chưa ngăn chặn được nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người khác. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cho cộng đồng (đạt được miễn dịch cộng đồng) thì ít nhất 70% dân số được tiêm vaccine.
Hiện nay nước ta chưa đạt được miễn dịch cộng đồng nên người chưa được tiêm vẫn có nguy cơ bị lây bệnh từ người đã tiêm đủ vaccine khi tiếp xúc. Hơn nữa, người được tiêm vaccine mà mang virus đi tới vùng có tỉ lệ tiêm thấp thì có thể lây lan cho người chưa tiêm vaccine và gây bùng phát dịch"- PGS.TS Phu phân tích.
Tình hình dịch bệnh đến tối 6/9
Hà Nội:
Số ca nhiễm: 4.123
Trong đó số ca từ thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 (24/7) là: 2.915
Số ca tử vong: 45
Số tiêm chủng: 3.135.841 liều
Toàn quốc:
Số ca nhiễm: 536.788
Số ca tử vong: 13.385, trong đó TP.HCM là 10.685
Số tiêm chủng: 22.012.123 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 18.673.340 liều, tiêm mũi 2 là 3.338.783 liều.