Bức tranh lợi nhuận các doanh nghiệp thép ra sao trong quý I/2023?

Thùy Dương 14:52 | 30/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh sức cầu chưa được cải thiện, các doanh nghiệp thép đồng loạt báo kết quả đi lùi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với quý cuối năm 2022, mức giảm doanh thu và lợi nhuận có vẻ đã chậm lại tại nhiều doanh nghiệp.

Ảnh: Thùy Dương tổng hợp từ BCTC các doanh nghiệp. 

Theo đó, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) báo doanh thu thuần quý I đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ (svck) quý I/2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 383 tỷ đồng, giảm mạnh 95% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức cầu chưa được cải thiện, kết quả trên đã cho thấy bức tranh sản xuất kinh doanh tích cực hơn đáng kể khi so sánh với 2 quý lỗ nghìn tỷ hồi cuối năm 2022 (biểu đồ dưới đây). Lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực và đóng góp 94% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn. 

 

CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) trong báo cáo tài chính quý I/2023 báo doanh thu thuần giảm 20% xuống còn 1.432 tỷ đồng và lãi ròng giảm mạnh 92% xuống 6,3 tỷ đồng svck. Nếu so với quý IV/2022, doanh thu công ty giảm khoảng 14% và lợi nhuận giảm 105%.

CTCP Thép VICASA - VNSTEEL (HOSE: VCA) ghi nhận doanh thu thuần trong quý I đạt 506 tỷ đồng, giảm 41% svck. Lãi ròng cũng giảm khoảng 41% xuống 5,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này đã cải thiện hơn so với hồi cuối năm ngoái. Cụ thể, doanh thu quý I/2023 tăng 1% và lợi nhuận chỉ giảm 21% so với quý IV/2022. Bên cạnh đó, lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên gần 28 tỷ đồng, nhờ biên lãi gộp phục hồi lên 5,5%. Đây cũng là mức biên lãi gộp cao nhất trong 3 năm. Sự hồi phục của biên lợi nhuận gộp diễn ra trong bối cảnh giá thép liên tục tăng trong những tháng đầu năm.

 

Giải trình về sự sụt giảm, công ty cho biết nguyên nhân do sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm. Chi phí quản lý tăng 7,08 tỷ đồng do chi phí thuê đất phân bổ tăng, công ty tạm trích dự phòng trợ cấp thôi việc năm 2023 số tiền 4,79 tỷ đồng.

CTCP Thép Thủ Đức - VNSTEEL (UPCoM: TDS) báo doanh thu 349 tỷ đồng trong quý I, giảm 54% svck nhưng tăng 7% so với quý ngay trước đó. Lãi ròng 4,3 tỷ đồng, giảm lần lượt 47% và 71% svck và quý IV/2022.

CTCP Thép Nhà Bè - VNSTEEL (UPCoM: TNB) báo doanh thu và lãi ròng trong quý lần lượt 415,1 tỷ đồng và 4,1 tỷ đồng, tương ứng giảm 41% và 47% svck. Đây là mức doanh thu không tệ khi ghi nhận tăng trưởng 15% so với quý IV năm ngoái; tuy nhiên nếu so về lợi nhuận, lãi ròng của TNB vẫn giảm mạnh 305% so với quý IV/2022.

CTCP Thép Mê Lin (HNX: MEL) ghi nhận doanh thu thuần 130,1 tỷ đồng, giảm 48% và lãi ròng 2 tỷ đồng trong quý I/2023, giảm tới 82% so với giai đoạn ngành thép đang tích cực. Tuy vậy, kết quả này đã khởi sắc hơn mức lỗ hơn 9 tỷ đồng của quý trước đó.

 

CTCP Tập Đoàn Thành Thái (HNX: KKC) theo đó cũng nhận sụt giảm nặng cả về doanh thu và lợi nhuận với doanh thu thuần quý I khoảng 28 tỷ đồng, giảm 63% svck và 28% so với quý trước, lỗ ròng gần 0,5 tỷ đồng, giảm 53% svck và giảm xấp xỉ 85% so với quý IV/2022. 

Điểm sáng là lợi nhuận gộp quý này của KKC đạt 1,76 tỷ đồng, tăng 27,5% cùng kỳ quý I/2022. Phía KKC cho biết, đầu năm nay giá thép có sự tăng nhẹ so với thời điểm cuối 2022 nên mặc dù việc tiêu thụ thép của công ty giảm so với năm ngoái do nhu cầu hạ nhiệt, công ty vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận gộp.

CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (UPCoM: TNS) báo doanh thu quý I/2023 đạt 126 tỷ đồng, giảm 42,7% so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên lợi nhuận chuyển từ lãi thành lỗ 2 tỷ đồng. Giải trình về khoản lỗ, công ty cho biết thị trường thép cán nguội quý I vẫn còn khó khăn. Khả năng phục hồi chậm dẫn đến sản lượng sản xuất giảm 36,38% và tiêu thụ giảm 37,28% svck năm trước. Dù vậy, nếu so với quý liền trước, TNS vẫn ghi nhận doanh thu quý I/2023 khởi sắc 8%.

CTCP Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) trong 3 tháng đầu năm đạt 2.446 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 34,5% svck quý I/2022. Lãi gộp TIS đạt 56 tỷ đồng, giảm mạnh 60%. Biên lãi gộp cũng giảm xuống 2,3% từ mức 3,7% của cùng kỳ. Trừ chi phí, trong quý, TIS lỗ ròng 19 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 29 tỷ đồng; qua đó đánh dấu quý lỗ thứ 3 liên tiếp của công ty. 

Trong kỳ, các khoản chi phí tại TIS đều tăng mạnh, với chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 56%, 50% và 41%.

 

Một công ty khác trong ngành, CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (HNX: VGS) cũng ghi nhận mức giảm doanh thu về 2.124 tỷ đồng, tương ứng giảm 15,3% và lãi ròng 13,6 tỷ đồng, giảm khoảng 66% svck. Nhìn từ góc độ tích cực, mức giảm đã có dấu hiệu chậm lại nếu so với các tháng cuối năm. Cụ thể, doanh thu trong quý so với quý trước chỉ giảm 10% và lợi nhuận giảm 23%, bằng 1/3 mức giảm svck.

CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I gần khớp với ước tính tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 50 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trong quý đạt âm 49,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 507 tỷ đồng cùng kỳ 2022 nhưng đã phục hồi đáng kể so với con số âm 356 tỷ đồng của quý IV năm ngoái. Doanh thu thuần quý I đạt 4.380 tỷ đồng, giảm 39% svck và tăng nhẹ so với quý trước.

Sản lượng tiêu thụ trong quý đạt 194 nghìn tấn và giảm 25% svck nhưng phục hồi 6,2% so với quý IV/2022 nhờ sản lượng xuất khẩu tăng 14,1%, tương đương với công suất hoạt động là 70%.

Theo đó, ban lãnh đạo kỳ vọng quý II sẽ có lãi nhờ các đơn đặt hàng xuất khẩu. NKG đã đảm bảo các đơn đặt hàng xuất khẩu trong hai tháng tới. Sản lượng xuất khẩu hàng tháng có thể duy trì ở mức khoảng 50.000 tấn như trong tháng 3, cải thiện từ mức trung bình 30.000 tấn/tháng trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của NKG là Châu Âu, Canada và Mỹ.

Công ty đặt kế hoạch cả năm 2023 lạc quan với doanh thu 20.000 tỷ đồng, giảm 13,3% svck. Lãi trước thuế 400 tỷ đồng so với khoản lỗ 107 tỷ đồng năm ngoái. Kế hoạch đặt ra dựa trên mục tiêu sản lượng tiêu thụ là 940.000 tấn, tăng 7,4% svck và giá thép HRC trong khoảng 600-700 USD/tấn.