Bức tranh pháp luật kinh doanh 2018 vẫn còn nhiều điểm mờ
Theo thông tin từ VCCI, năm 2018 được xem là năm của cải cách điều kiện kinh doanh. Ngay từ đầu chỉ tiêu cụ thể về tỉ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ chỉ đạo trong các Nghị quyết 01, Nghị quyết 19. Các Bộ đã đồng loạt lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh với tỉ lệ đề xuất hầu hết lên tới 50%. Theo đó, tính đến hết tháng 11/2018 đã có 25 Nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 Nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành, ngoại trừ Bộ Công an không có đề xuất sửa đổi.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, môi trường kinh doanh hiện vẫn tồn tại nhiều điều kiện bất hợp lý nhưđiều kiện kinh doanh đại lý tàu biển, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, điều kiện kinh doanh rượu… chưa được cắt giảm, do nằm ở các Luật, không thể sửa ngay được…
Đánh giá về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Năm qua chúng ta làm được nhiều việc, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hoá, góp phần giải phóng doanh nghiệp khỏi hàng ngàn thủ tục, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, mang lại niềm tin cho giới kinh doanh
Tuy nhiên, bức tranh pháp luật kinh doanh 2018 vẫn còn những điểm mờ khi cải cách ở nhiều lĩnh vực chậm và chưa thực chất. Chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý nhà nước vẫn thủ công. Vẫn thấy tình trạng gập ghềnh trong tư duy quản lý của các bộ ngành. Đích đến của một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi vẫn còn xa.
Theo Chủ tịch VCCI, sự chồng chéo thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật nhiều khi đẩy người dân và doanh nghiệp vào tình thế khó. "Tình trạng mỗi bộ ngành một luật. Theo luật của bà Bộ trưởng này thì đúng, chiểu theo luật của ông Bộ trưởng khác thì sai. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhiều khi "chết đứng như Từ Hải".
Chủ tịch VCCI nhận định, điểm nghẽn lớn của chúng ta là điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, ảnh hưởng đến lưu thông thương mại qua biên giới, đây cũng là rào cản cho sự phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng quan điểm với đánh giá này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu vấn đề: “Hiện nay chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc gỡ bỏ rào cản kinh doanh. Đây là việc tất yếu phải làm. Còn làm thế nào để thúc đẩy kinh doanh thì chưa thấy có. Mặt khác, động lực cải cách vừa qua đều xuất phát từ Chính phủ. Phải làm gì nếu động lực này không còn. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng kinh doanh cũng vẫn là thách thức”.
Theo Phó viện trưởng CIEM, năm 2019 với mục tiêu cắt giảm tiếp 50% điều kiện kinh doanh vẫn tiếp tục được Chính phủ đặt ra, với các bộ, ngành thì cần một cách tiếp cận khác, mạnh mẽ và thực chất bởi "xã hội không chờ được".
Cụ thể, ông Hiếu đề xuất, tách các đơn vị sự nghiệp có chức năng về kiểm tra, kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng ra khỏi các bộ, ngành và giao cho tư nhân. Về lâu dài, để đảm bảo quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, theo ông Hiếu, có 2 vấn đề cần quan tâm. Một là các bộ không chọn cơ quan tham mưu chủ trì xây dựng chính sách là cơ quan thực thi chính sách. Thứ hai, cần đầu tư cho công tác làm chính sách, nâng cao năng lực cho bộ phận làm chính sách.
"Đừng chỉ tháo gỡ rào cản do chúng ta đặt ra mà phải thúc đẩy phát triển. Các bộ, ngành, cơ quan phải có tư duy rằng tháo bỏ rào cản là đương nhiên, thúc đẩy phát triển mới là vấn đề quan trọng", ông Hiếu cho biết thêm.
Dưới góc độ địa phương, TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh đã chỉ ra các vướng mắc: “Cải cách ở các địa phương phải được mở rộng và áp dụng ở các bộ ngành. Các bộ ngành đang “ham” đi theo các hướng phát triển dịch vụ công trực tuyến, nhưng đa phần nhiều người cho rằng chưa hoàn hảo và tốt như ý nghĩa của nó. Ví như gửi hồ sơ vào nhưng vẫn phải gặp cán bộ phía bên trong mới giải quyết tốt hơn”.
Ngoài ra, theo ông Bắc cơ chế kiểm soát các điều kiện kinh doanh nói chung chưa có cơ chế nào dủ mạnh để kiểm soát. Do đó, phải có hướng kiểm soát điều kiện kinh doanh, phải có bộ luật về kiểm soát thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, các báo cáo mới đang rà soát quy trình về đăng ký kinh doanh. Như trên Trung ương các bộ ngành đưa ra quy định theo chuyên ngành, nhưng địa phương phải thực hiện theo chu trình hoá, khi chu trình hoá thì các bước sẽ trùng lặp và vướng.
Ở góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc thừa nhận, hành trình tiến đến môi trường kinh doanh an toàn thuận lợi còn gian nan. Bởi vậy, ông vẫn kiên định đề xuất, 6 tháng một lần VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trình Quốc hội và Chính phủ bản khuyến nghị một luật sửa nhiều luật có liên quan đến môi trường kinh doanh.
“Bởi nếu cứ chờ sửa các đạo luật theo đúng quy trình thì rất chậm, trong khi thực tế có rất nhiều vấn đề không chỉ doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng thấy rõ ràng là bất hợp lý nhưng vẫn phải thực hiện vì luật quy định như vậy”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh