Buýt nhanh BRT Hà Nội thua lỗ như thế nào trong 4 năm hoạt động?

13:12 | 21/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong 4 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Hà Nội gần như không thu hút thêm khách. Doanh thu sụt giảm từ 27,5 tỷ đồng năm 2018 xuống còn 15,2 tỷ đồng năm 2020, tỷ lệ trợ giá lên đến 36,6%.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có báo cáo gửi Chủ tịch UBND Hà Nội kết quả đánh giá tuyến buýt nhanh BRT 01 Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã trong thời gian hoạt động từ 2017 đến nay.

Theo văn bản, Sở GTVT đánh giá sau 4 năm triển khai thử nghiệm mô hình phương tiện công cộng này, đơn vị nhận thấy mang lại hiệu quả nhất định, được một bộ phận nhân dân tin tưởng sử dụng.

Tuy nhiên, các số liệu kinh doanh thực tế được Sở GTVT Hà Nội lại thấy tình hình kinh doanh bết bát. Trước hết về tổng lượng hành khách, năm 2018 BRT vận chuyển tổng lượng khách ước đạt 5,3 triệu lượt; năm 2019 là 5,5 triệu lượt; năm 2020 là 5,35 triệu lượt. Có thể thấy trong 3 năm qua, tuyến buýt nhanh gần như không thu hút thêm được lượng hành khách mới.

Buýt nhanh BRT Hà Nội thua lỗ như thế nào trong 4 năm qua?

Bên cạnh đó, doanh thu tuyến buýt BRT cũng sụt giảm lớn qua từng năm. Cụ thể, doanh thu năm 2018 toàn tuyến đạt 27,5 tỷ đồng; năm 2019 là 24,8 tỷ đồng; và năm 2020 sụt còn 15,2 tỷ đồng (giảm đến 45% so với 2018). Đặc biệt, tỷ lệ trợ giá/chi phí năm 2018 là 26,6%, nhưng vọt lên 36,6% vào năm 2019.

Lý giải vấn đề này, Sở GTVT cho rằng việc lượng khách sụt giảm năm 2020 chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc cắt giảm lượng lớn số chuyến và số hành khách mỗi chuyến, kéo theo doanh thu giảm mạnh.

Về việc có tiếp tục đầu tư, thử nghiệm tuyến buýt BRT nữa hay không, Sở GTVT cho biết đã đề xuất UBND TP Hà Nội giao Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội khảo sát, đánh giá hiệu quả xe buýt nhanh BRT. Tuy nhiên đến nay, Viện chưa có kết quả thực hiện.

Sở GTVT Hà Nội kiến nghị TP nghiên cứu đánh giá một cách khoa học về hiệu quả của tuyến buýt nhanh thí điểm BRT 01, làm rõ tồn tại, hạn chế để cân nhắc xem có tiếp tục quy hoạch và đầu tư các tuyến BRT trong tương lai hay không.

Tuyến buýt nhanh BRT được đầu tư thí điểm đầu tiên ở Hà Nội cũng như Việt Nam từ nguồn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Tổng mức đầu tư là 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng).

Sau khi được đầu tư, TP đã bàn giao cho Tổng công ty vận tải Hà Nội tiếp nhận quản lý và vận hành khai thác từ ngày 1/1/2017. Tuyến xe buýt này được kỳ vọng là phương tiện công cộng có sức chở lớn thay thế các phương tiện cá nhân, qua đó góp phần giảm ùn tắc giao thông thủ đô. Tuy nhiên, sau 5 năm vận hành, nhiều ý kiến đánh giá đây là một dự án thất bại, thậm chí còn là nguyên nhân gây ách tắc giao thông.

Xem thêm: Tuyến xe buýt điện đầu tiên của Vingroup sẽ hoạt động ở đâu?

Hà Ly