BXH Top 10 Ngân hàng thương mại uy tín: Vietcombank đứng đầu
Vừa qua, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã phối hợp cùng Báo VietNamNet tổ chức Lễ công bố Top 50 Công ty đại chúng uy tín và hiệu quả; Top 10 Công ty uy tín ngành Ngân hàng - Bảo hiểm - Công nghệ năm 2022. Vietcombank dẫn đầu bảng xếp hạng Top 10 Ngân hàng thương mại uy tín năm 2022 và thuộc Top 10 Công ty đại chúng uy tín, hiệu quả.
Bảng xếp hạng Top 10 Ngân hàng uy tín năm 2022 dựa trên nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report thông qua 3 tiêu chí chính, bao gồm: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 6 năm 2022. Do đó, những cái tên được vinh danh trong Top 10 đều được ghi nhận là hoạt động hiệu quả và có vị thế vững chắc trên thị trường.
Năm 2022, Bảng xếp hạng Top 50 Công ty đại chúng uy tín và hiệu quả (VIX50) lần thứ hai liên tiếp được công bố nhằm tôn vinh các công ty đại chúng uy tín và hoạt động hiệu quả, đã nỗ lực vượt trội để vươn lên trước những thách thức của dịch bệnh; đón bắt những cơ hội mới và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ dành cho khách hàng, tạo dựng hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và nhà đầu tư, thể hiện tiềm năng tăng trưởng, mức độ phát triển bền vững, chất lượng quản trị và vị thế trên thị trường.
Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2022, Vietcombank đứng vị trí số 1. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Vietcombank vinh dự dẫn đầu bảng xếp hạng Top 10 Ngân hàng thương mại uy tín. Thứ tự lần lượt theo bảng xếp hạng là Vietinbank thứ nhì, tiếp đến là Techcombank, MB Bank, VPBank, ACB, BIDV...
Trong khi đó, Top 10 ngân hàng TMCP tư nhân uy tín nhất năm 2022 thì Techcombank đứng vị trí số 1. Tiếp đến là VPBank, ACB, TP Bank, VIB, HDBank...
Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2022 phụ thuộc rất lớn vào khả năng khống chế dịch bệnh COVID-19, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Nếu tốc độ phục hồi của nền kinh tế tốt, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng lên, hoạt động cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng sẽ được tăng cường, chất lượng tài sản cũng như thu nhập của ngân hàng nhờ đó sẽ tốt hơn.
Bước sang năm 2022, những con số tăng trưởng về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ... trong những tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục khởi sắc, GDP quý II ước tính tăng 7,72% so với cùng kì năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Trong bối cảnh đó, khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, “bóng đen” của đại dịch đã lùi dần, nhường chỗ cho bức tranh tươi sáng của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2022.
Cụ thể, 63,6% số chuyên gia và ngân hàng dự báo tăng trưởng của ngành cao hơn cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ so với mức năm ngoái (58,8%). Khoảng 9,1% số chuyên gia và ngân hàng tỏ ra thận trọng với triển vọng ngành, đáng chú ý, con số này được cho là rất tích cực nếu so sánh với thời điểm đại dịch lan rộng và phủ bóng đen lên hầu khắp các nền kinh tế, khiến cho 76,9% số chuyên gia và ngân hàng lo ngại về suy giảm tăng trưởng (tháng 6/2020).
Tăng trưởng tín dụng phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng tín dụng năm 2021 đã trở về mức trước đại dịch (năm 2019), đạt 13,6%. Tín dụng tính đến ngày 09/6/2022 tăng gần 8,2% so với thời điểm đầu năm và 17,1% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn chuyên gia và ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 có thể đạt mức trên 14%, trong đó, cho vay bán lẻ tiếp tục là động lực chính. Theo đánh giá của các chuyên gia, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực, điều này cho thấy dư địa tăng trưởng rất lớn.
Tiền gửi tăng trở lại, lãi suất huy động huy động neo ở mức thấp, các kênh đầu tư thay thế và thu nhập cá nhân suy giảm đã gây áp lực cho tăng trưởng huy động vốn trong giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, cuộc đua lãi suất bắt đầu “nóng” khoảng 3 tháng trở lại đây. Tính tới đầu tháng 6/2022, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã tăng đáng kể, đã có 10 ngân hàng đưa ra mức lãi suất trên 7%/năm. Lãi suất huy động tăng khiến tiền gửi nhàn rỗi “ồ ạt” quay lại ngân hàng. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy 81,8% huy động tiền gửi của các ngân hàng dự phóng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.