Cá nhân nợ thuế bao lâu sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh, cần điều chỉnh gì để phù hợp thực tiễn?

Đông Bắc 10:04 | 03/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngành thuế yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh với người có khoản nợ thuế quá hạn đang bị cưỡng chế, nhất là doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.

  

Nợ thuế quá hạn 90 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh

Tổng cục Thuế mới đây có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố liên quan đến việc áp dụng các biện pháp để tăng hiệu quả quản lý thuế.

Theo đơn vị này, việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế và tạm hoãn xuất cảnh sẽ áp dụng đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp cưỡng chế. Cơ quan thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định.

Còn đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ dưới 90 ngày, Tổng cục Thuế yêu cầu bộ phận thanh tra - kiểm tra chịu trách nhiệm kiểm soát dữ liệu và đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước, hạn chế các khoản nợ dây dưa, kéo dài.

  Nợ thuế quá hạn 90 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh BTC.

 

Tổng cục Thuế cho biết, đến ngày 14/8, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền nợ là 30.388 tỷ đồng. Trong đó, có 10.829 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thuế nợ là 6.894 tỷ đồng. Kết quả thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã thu được 1.341 tỷ đồng của 2.116 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.

Đáng chú ý, đã thu được nợ thuế của 650 người nộp thuế đang bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thuế nợ là gần 47 tỷ đồng.

Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ đã quá 30 ngày, cơ quan thuế thực hiện ban hành thông báo tiền thuế nợ gửi người nộp thuế bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử (etax). Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, nhưng có đăng ký địa chỉ email thì cơ quan thuế hỗ trợ gửi Thông báo qua email và qua ứng dụng eTax Mobile.

Còn đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ quá 60 ngày, công chức thuế phải thường xuyên liên hệ với người nộp thuế để nhắc nhở về việc nộp tiền thuế nợ và thông báo cho người nộp thuế biết về việc sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi có khoản nợ quá 90 ngày.

Đáng chú ý, với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp cưỡng chế, cơ quan thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định.

Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các địa phương xem xét áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế, bao gồm biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Trong đó, thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời gia hạn hoặc hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế.

Đồng thời, cơ quan thuế cũng phải ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) để đảm bảo việc tra cứu được dữ liệu tạm hoãn xuất cảnh trên website của ngành thuế, trên các ứng dụng etax, etax mobile.

Chỉ nên cấm xuất cảnh đối với cá nhân nợ thuế số tiền lớn

Thời gian qua, rất nhiều chủ doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh do liên quan đến nợ thuế. Nhiều trường hợp nợ thuế với số tiền rất nhỏ, thậm chí chưa đến 100.000 đồng nhưng cũng bị cho vào danh sách tạm hoãn xuất cảnh.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SB Law cho rằng, trước mắt cơ quan thuế nên đề xuất mức nợ thuế khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như một cá nhân nợ thuế trên 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng.

Về lâu dài, cơ quan thuế có thể xem xét và đánh giá tác động của biện pháp này đến cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp, xem có ảnh hưởng gì đến người đại diện pháp luật, có trái gì với các tinh thần Nghị quyết của Chính phủ về việc khuyến khích, động viên cộng đồng doanh nghiệp phát triển hay không?

Theo Chủ tịch Công ty luật SB Law, trên thực tế, cơ quan thuế luôn cũng theo sát doanh nghiệp, những doanh nghiệp nào trong diện nợ thuế thì cán bộ thuế luôn quyết liệt nhắc nhở và có nhiều thông báo.

  Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SB Law. Ảnh SBL.

Sau đó, nếu doanh nghiệp không thực hiện, cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp khác như không cho xuất hóa đơn và phong tỏa tài khoản ngân hàng, nếu mà tiền về ngân hàng có thể cưỡng chế thuế. Thậm chí, phạt hành chính với việc chậm nộp thuế thì rất là cao.

"Đây là những biện pháp đủ để yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật chứ không nên áp dụng các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như gần đây", ông Hà nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, Luật sư Luật sư Đỗ Thị Hằng - Giám đốc chi nhánh Công ty Luật BFSC tại Hà Nội cho rằng, việc hạn chế xuất cảnh đối với lãnh đạo doanh nghiệp khi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là một biện pháp cưỡng chế hành chính nhằm đảm bảo thu hồi nợ thuế. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp.

Còn đối với trường hợp doanh nghiệp nợ thuế số tiền nhỏ chưa đến một triệu đồng, bà Hằng cho rằng, việc tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp này có thể khá máy móc và chưa hợp lý. Cơ quan thuế cần có sự linh hoạt và cân nhắc mức độ nghiêm trọng của vi phạm trước khi áp dụng biện pháp này tránh gây thiệt hại lớn hơn cho doanh nghiệp. Những chủ thể đang đóng góp nguồn thu chính vào ngân sách nhà nước. (Theo tổng hợp số liệu từ Bộ Tài chính, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, thường chiếm tỷ trọng hơn 70% đến hơn 80% trong tổng thu NSNN).

Luật sư Đỗ Thị Hằng cho rằng, với cơ quan thuế nên có quy định cụ thể hơn về ngưỡng nợ thuế và mức độ vi phạm để áp dụng biện pháp hạn chế xuất cảnh, tránh việc áp dụng máy móc gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Còn với doanh nghiệp cần chủ động hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đúng hạn để tránh bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Trong trường hợp gặp khó khăn tài chính, doanh nghiệp nên liên hệ với cơ quan thuế để được hỗ trợ và hướng dẫn giải quyết.