Cà phê mở rộng thị phần, chinh phục thị trường châu Âu

09:17 | 25/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, đạt kim ngạch xuất khẩu thường xuyên trên 3 tỷ USD/năm chiếm 17,4% về lượng, 9,5% về giá trị xuất khẩu.
Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 – 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).
 
Hiệp định EVFTA, mặt hàng cà phê Việt Nam có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới do cà phê Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%. Mặt khác, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.
 

Lợi thế cạnh tranh rất lớn


Cà phê là một trong 13 nông sản chủ lực quốc gia, với lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600 nghìn hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên và các vùng trồng cà phê khác của Việt Nam.
 
EU đang là một thị trường hấp dẫn, chiếm khoảng 30% tiêu dùng cà phê toàn cầu. Với những cơ hội từ Hiệp định EVFTA, không có lý do gì ngành cà phê Việt Nam để tuột mất thị trường giàu tiềm năng này.
 
Cà phê mở rộng thị phần, chinh phục thị trường châu Âu - ảnh 1
 
xuất khẩu cà phê Việt Nam đứng thứ 2 thế giới
 
Để tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) đã liên kết với 10.000 hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu 10.000 ha cà phê, với sản lượng khoảng 30.000 tấn. 
 
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vĩnh Hiệp, chia sẻ việc đầu tư vào khâu chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ sẽ là điều kiện để cà phê của Việt Nam đi xa hơn, chinh phục người tiêu dùng "khó tính" nhất trên thế giới.
 
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, EU hiện là thị trường lớn thứ hai của cà phê của Việt Nam, chiếm trên 42% lượng cà phê XK của Việt Nam. Mặc dù đại dịch COVID-19 đang gây khó khăn cho nền kinh tế, nhưng bánh mì, sữa, cà phê... vẫn là những mặt hàng có mức tiêu thụ cao tại EU.
 
TS. Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Thị trường Ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), nhìn nhận nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cà phê chế biến. Tuy nhiên, cơ cấu giá trị XK mặt hàng này sang các nước EU dù đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Việt Nam vẫn chủ yếu XK cà phê chưa rang, chưa khử caffein.
 
Số liệu của Vicofa cũng cho thấy, dù lượng cà phê Việt Nam XK sang EU khá lớn, chiếm trên 8,5% tổng lượng cà phê nhập khẩu của thị trường này, song tỷ lệ cà phê chế biến còn thấp, chỉ 5 - 7% lượng cà phê XK, sản phẩm chủ yếu là xuất thô.
 

Nâng hàm lượng chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu


Brazil vẫn dẫn đầu về lượng cà phê xuất khẩu trên thị trường thế giới. Riêng với EU, năm 2019, Brazil xuất khẩu khoảng 1,1 triệu tấn sang thị trường này, trong khi Việt Nam xuất khoảng 677.000 tấn; cà phê Arabica chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu xuất khẩu của Brazil, nên mang về giá trị cao hơn cho quốc gia này. Tuy vậy, Việt Nam lại có thế mạnh về cà phê Robusta, nên cơ hội tại thị trường EU cho cà phê Việt không hề nhỏ, đặc biệt là các sản phẩm chế biến.
 
Để tận dụng các cơ hội từ EVFTA, ngành cà phê Việt Nam nên chú trọng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng chế biến để gia tăng giá trị, thay vì chỉ quan tâm đến sản lượng xuất khẩu.
 
Cụ thể là, ngành cà phê phải chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ như triển khai đánh và cấp mã số vùng trồng, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm và triển khai tự chứng nhận xuất xứ nhằm hưởng ưu đãi về thuế quan.
 
Cà phê mở rộng thị phần, chinh phục thị trường châu Âu - ảnh 2
 
Lô hàng cà phê đầu tiên xuất sang châu Âu theo hiệp đinh EVFTA
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp  cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về tiêu chuẩn của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), tiêu chuẩn của các quốc gia về chất lây nhiễm, ghi nhãn và sử dụng bao bì, chứng nhận an toàn thực phẩm… Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác công tư giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân trong khâu chế biến sau thu hoạch; tăng liên kết; thu hút đầu tư vào khâu chế biến.
 
Đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh cà phê hiện nay, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) thừa nhận, tỷ lệ cà phê rang xay chiếm chưa đến 10% trong tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, nên giá trị mang lại chưa cao. Theo đó, để tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA, doanh nghiệp cà phê nên đầu tư vào khâu chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ...
 

Mở rộng sang Bắc Âu


Người dân Bắc Âu uống cà phê nhiều nhất thế giới. Trong đó, Phần Lan là quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới, khoảng 12 kg mỗi năm. Tiếp theo, Na Uy đứng thứ hai với mức ước tính 9,9 kg mỗi năm/đầu người. Đan Mạch và Thụy Điển xếp thứ tư và thứ sáu trong bảng xếp hạng này, với lần lượt 8,7 kg và 8,2 kg.
 
Tuy nhiên, các nước Bắc Âu chủ yếu nhập khẩu hạt cà phê Arabica do có xu hướng hướng đến cà phê chất lượng cao và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ cà phê Robusta dùng trong chế biến. Trong khi đó, Việt Nam lại chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta, chiếm khoảng 95% lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
 
Cà phê mở rộng thị phần, chinh phục thị trường châu Âu - ảnh 3
 
Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho cà phê sang các thị trường khó tính khác
 
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC, cà phê là mặt hàng tiềm năng của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu.
 
Cụ thể, Thụy Điển nhập khẩu 331,5 triệu USD cà phê năm 2019, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 6 triệu USD. Thuế mặt hàng cà phê là 0%. Do vậy, sau khi tính toán, tiềm năng xuất khẩu cà phê vào thị trường này là 196 triệu USD, tức là vẫn còn 190 triệu USD chưa được khai thác.
 
Phần Lan nhập khẩu 213 triệu USD cà phê, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ 2 triệu USD, tiềm năng xuất khẩu được tính khoảng 47,6 triệu USD cho cà phê Việt Nam, như vậy vẫn còn khoảng 45 triệu USD cà phê chưa được khai thác.
 
Tương tự, Đan Mạch và Na Uy vẫn còn nhiều dư địa chưa được khai thác. Mặc dù Na Uy và Iceland không là thành viên của EU, nhưng là thành viên của EEA. Do vậy, khai thác được thị trường Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch đồng nghĩa với việc khai thác được cả khu vực do Na Uy và Iceland nhập khẩu từ các nước thành viên EU cũng được hưởng thuế 0%.
 
Đánh giá của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi giá trị kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm. 
 
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng qua xuất khẩu cà phê chỉ đạt trên 1 triệu tấn, giá trị kim ngạch là 1,82 tỷ USD, giảm lần lượt giảm 8,23% về lượng và trên 19% về giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam từ đầu năm đến tháng 7/2019 chỉ đạt mức 1,698 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ. Cà phê là một trong những mặt hàng chủ lực có giá xuất khẩu giảm sâu thời gian qua.
 
Nguyễn Dung(t/h)