Giá rẻ - câu thần chú của chuỗi F&B giữa thời 'thắt lưng buộc bụng'

Thùy Trang 09:21 | 14/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tờ New York Times vừa có một bài viết đưa ra góc nhìn toàn cảnh về cuộc chiến giá khốc liệt trong ngành F&B trên thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Luckin Coffee hiện có 10.800 cửa hàng tại Trung Quốc, trở thành đối thủ lớn nhất của Starbucks. Thành công của Luckin Coffee đến từ chiến lược bán đồ uống với cả phải chăng. Tuy nhiên, chuỗi cà phê này lại đang vấp phải sự cạnh tranh của Cotti Coffee cũng với cùng một công thức: Giá rẻ.

Cotti đã mở các cửa hàng gần với địa điểm có sự hiện diện của Luckin và đưa ra nhiều tùy chọn đồ uống có giá thấp hơn 1 nhân dân tệ. Đầu năm nay, Cotti bắt đầu chiến dịch hạ giá cà phê latte xuống 9,9 nhân dân tệ khiến Luckin cũng phải xuống theo, đồng thời cam kết giữ mức giá đó trong hai năm.

Chưa hết, Cotti sau đó lại giảm giá cà phê xuống còn 8,8 nhân dân tệ và chiến lược giá rẻ thực sự phát huy tác dụng. Công ty cho biết, trong chưa đầy một năm kể từ khi thành lập, Cotti đã mở hơn 5.800 cửa hàng, bán trung bình hơn 400 tách cà phê/ngày tại mỗi cửa hàng.

Chiến lược giá rẻ đang tỏ ra hữu ích đối với sự tăng trưởng của những chuỗi cà phê nội địa Trung Quốc. (Ảnh: NY Times).

Ông Li Yingbo, giám đốc chiến lược của Cotti Coffee cho biết: “Chúng tôi không muốn thấy người tiêu dùng lưỡng lự về giá khi họ muốn uống cà phê”.

Cuộc cạnh tranh về giá không phải là ngẫu nhiên. Xu hướng mới của người tiêu dùng Trung Quốc khi chi ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn, là nguồn cơn của chiến lược giá rẻ.

Chen Xixi, 33 tuổi, đang làm việc tại một trường đại học thuộc tỉnh Hồ Bắc, có lý do để cân đo đong đếm từng xu. Cô buộc phải giảm chi tiêu sau khi thu nhập của chồng cô bị cắt giảm. Thay vì mua cà phê ở Starbucks, cô Chen có hai sự lựa chọn là Luckin và Cotti, dĩ nhiên là bên nào rẻ hơn thì sẽ được ưu tiên.

Chen từng sử dụng loại toner dưỡng da đắt tiền của Nhật Bản nhưng sau đó cô đã chuyển sang loại của Trung Quốc với giá rẻ hơn 90%. Cô cũng ngừng mua đồ hiệu và chọn một thương hiệu không có tên tuổi. Chen nói: “Tôi không biết mình tiết kiệm tiền để làm gì nhưng tôi chỉ cảm thấy có một ít tiền sẽ giúp tôi cảm thấy an tâm hơn”.

Meituan, ứng dụng giao đồ ăn ở Trung Quốc, đã cảnh báo rằng sự tăng trưởng của các đơn đặt hàng mang đi dự kiến ​​sẽ giảm trong quý III, do cầu thấp và người dân trở nên nhạy cảm về giá.

Chuỗi trà sữa và kem tươi Mixue nổi tiếng với giá cả thuộc phân khúc bình dân, đã mở 18.300 cửa hàng trong ba năm qua, nâng tổng số cửa hàng lên hơn 20.000, theo Canyan Data. Những người sáng lập Mixue đã chứng kiến ​​giá trị tài sản ròng tăng gấp 4 lần vào năm ngoái.

Sự nổi lên của Mixue đã buộc Heytea, một chuỗi đồ uống Trung Quốc nổi tiếng với các loại trà sữa đắt tiền, phải giảm 1/3 giá bán vào năm ngoái và hạ toàn bộ giá xuống dưới 30 nhân dân tệ. Năm ngoái, Heytea cũng tuyên bố rằng họ "sẽ không bao giờ tăng giá cho dù đối thủ có làm gì đi chăng nữa".

Wang Chao, 29 tuổi, phải cắt giảm đáng kể chi tiêu của mình vì anh đang sống nhờ trợ cấp thất nghiệp sau khi mất việc vào tháng 5. Người này cho biết anh chủ yếu mua sắm trên các trang web giảm giá như Pinduoduo thay vì Alibaba của Alibaba, nơi thường có các mặt hàng chất lượng tốt hơn nhưng đắt tiền hơn. Wang thừa nhận trái cây trên Pinduoduo không có chất lượng tốt nhưng anh vẫn chọn mua vì nó rẻ hơn.

Pinduoduo cho biết doanh thu tăng 63% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng của công ty đang vượt qua Alibaba và JD.com, hai công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.

Wang cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm việc làm mới trong ngành logistics vì nhiều công ty đã phá sản. Anh ấy là một phần của những người thất nghiệp đang cạnh tranh để giành được việc làm. Wang nói sau khi mất thu nhập, anh ấy bắt đầu cắt giảm. Wang cho biết: “Tất cả những gì tôi có thể làm là giảm mức chi tiêu để tồn tại".