Các đối tác khao khát thúc đẩy điện gió Việt Nam phát triển nhanh và đi đúng hướng

10:08 | 23/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đã khởi động được một thời gian và các đối tác luôn khao khát thúc đẩy điện gió Việt Nam không những phát triển nhanh mà còn phải đi đúng hướng.
 Các đối tác khao khát thúc đẩy điện gió Việt Nam phát triển nhanh và đi đúng hướng - ảnh 1
Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu. (Ảnh: TTXVN)
 
Chiều 22/9, tại Hà Nội, Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức hội thảo “Lộ trình Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.”
 
Hội thảo đã trình bày các nghiên cứu và đề xuất các khuyến nghị về lộ trình phát triển ngành điện gió ngoài khơi với Chính phủ Việt Nam. Các nghiên cứu và khuyến nghị này được đưa ra tại hội nghị khi Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 phác họa lộ trình phát triển ngành điện Việt Nam 10 năm tới và định hướng đến năm 2045 đang ở giai đoạn hoàn thiện.
 
Theo báo cáo tại Hội nghị, với tiềm năng to lớn, ước tính khoảng 160 GW trong vòng 5-100 km tính từ bờ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Bờ biển dài, các nguồn gió dồi dào là những yếu tố then chốt để ngành công nghiệp xanh này phát triển và sản xuất ra nguồn điện xanh với giá hấp dẫn, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm và thu hút đầu tư.
 
Các nghiên cứu do Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới thực hiện cũng khuyến nghị rằng từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi.
 
Tại Hội nghị, những nghiên cứu trong nhiều khía cạnh khác nhau như đánh giá tiềm năng, đánh giá về khả năng truyền tải, năng lực chuỗi cung ứng nội địa, những cơ hội, thách thức trong việc phát triển điện gió ngoài khơi, những kinh nghiệm về chính sách, hệ thống quản lý ngành từ các nước có ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi phát triển..., cũng như khuyến nghị liên quan đến lộ trình phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi đã được các chuyên gia trình bày, thảo luận để tiếp tục hoàn thiện báo cáo và đệ trình lên Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
 
Kết quả của hội nghị là thông tin đầu vào quan trọng cho việc hình thành các mục tiêu chính sách trong Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 của Việt Nam, cơ sở chính sách quan trọng nhất để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam cho giai đoạn 10 năm tới với tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Hội thảo, ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho hay, khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch.
 
Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn.
 
“Tất nhiên chính phủ Việt Nam là người đưa ra các quyết định cuối cùng cho tiến trình này nhưng Đan Mạch, với tư cách là đối tác lâu dài và gần gũi với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, luôn muốn chia sẻ với Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm và bài học thành công thu được từ quá trình 30 năm phát triển điện gió ngoài khơi,” ông Kim Hojlund Christensen nói.
 
Giám đốc Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch, Anton Beck cho biết thêm, turbine điện gió ngoài khơi là loại hình công nghệ năng lượng tái tạo mạnh nhất khi chỉ cần một turbine 8 MW có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm cho 43.000 hộ gia đình của Việt Nam.
 
Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã khởi động được một thời gian và các đối tác Việt Nam luôn khao khát thúc đẩy ngành công nghiệp này không những phát triển nhanh mà còn phải đi đúng hướng.
 
Ông Rahul Kitchlu, Trưởng nhóm Hạ tầng và Điều phối viên Năng lượng, Ngân hàng Thế giới cho hay, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy những lợi ích kinh tế quan trọng của việc triển khai điện gió ngoài khơi ở quy mô công suất lên đến 10 GW vào năm 2030. Vì vậy, điều quan trọng cần làm là tính toán và cân nhắc đưa các yêu tố này vào trong quá trình xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8.
 
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết phát triển ngành năng lượng bền vững và thời điểm này có ý nghĩa quan trọng với Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 đang được Bộ Công Thương xây dựng.
 
Do đó, Việt Nam đánh giá cao những ý kiến tư vấn và khuyến nghị của Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới - những đối tác truyền thống của Việt Nam và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
 
Trước đó, trong quá trình xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8, Bộ Công Thương đã nêu rõ thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng điện sản xuất giai đoạn 2011-2019 là 10,1%/năm.
 
Bộ Công Thương đánh giá, năng lượng tái tạo đã có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành.
 
Tính tới cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt gần 6.000 MW; trong đó, có gần 5.245 MW điện mặt trời, khoảng 450 MW điện gió và 325 MW công suất điện sinh khối, gần 10 MW điện chất thải rắn và có trên 47.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với tổng công suất khoảng 1.000 MW.
 
Tổng công suất của điện năng lượng tái tạo đã chiếm trên 10% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện.
 
Theo báo cáo của EVN, trong giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ hoàn thành các dự án nguồn điện đạt 93,7%. Tuy nhiên, cơ cấu tỉ lệ công suất đưa vào vận hành lại rất khác biệt.
 
Các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là mặt trời) tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với mục tiêu quy hoạch, do tác động từ chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.
 
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình và Công ty cổ phần Điện gió B&T khởi công cụm trang trại Điện gió B&T với tổng vốn đầu tư 8.904 tỷ đồng.
 
Đây được coi là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất Việt Nam trên đất liền trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đồng thời là công trình trọng điểm nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2020-2025. Dự án có diện tích 2.244ha, được triển khai trên địa bàn hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
 
Các đối tác khao khát thúc đẩy điện gió Việt Nam phát triển nhanh và đi đúng hướng - ảnh 2
Khởi công Cụm trang trại điện gió B&T 210MW tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Nhã Quyên
 
Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch trên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 sẽ phải được phê duyệt ngay trong năm 2020.
 
Theo đó, Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 phải khắc phục được hạn chế, vướng mắc của Quy hoạch điện 7, đồng thời, mang tính định hướng, không cứng nhắc và mang tính mở, tạo không gian sáng tạo, huy động và phát huy các nguồn lực từ xã hội.
 
Trong bối cảnh nhiều dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, dẫn đến nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn 2020-2025 và năng lượng sạch trở thành xu hướng mới của thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện gió, được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhiều địa phương đề xuất thì việc phát triển các nguồn điện này đang có nhiều thuận lợi để tăng trưởng vượt bậc.
 
Minh Hoa (T/h)