Các hình thức đầu tư Bitcoin đều tiềm ẩn rủi ro lớn

14:05 | 31/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Có nhiều hình thức để nắm giữ, đầu tư, giao dịch Bitcoin nhưng mỗi hình thức đều có rủi ro tiềm ẩn. Các nhà đầu tư phải xác định rõ các vấn đề như bảo mật, lưu trữ, mức phí giao dịch, hay thị trường bị gián đoạn.

Bitcoin đã mất gần một nửa giá trị kể từ mức đỉnh tháng 4 trước khi có sự phục hồi nhỏ vào tuần qua, đưa nhiều nhà đầu tư vào một chặng đường khó khăn. Nhưng tùy thuộc vào phương thức đầu tư tiền mã hóa, một số người có thể đã bước vào con đường gập ghềnh hơn những người khác.

Trong khi nhiều nhà đầu tư trực tiếp nắm giữ Bitcoin thông qua tài khoản PayPal hoặc Robinhood, thì những người khác đã tìm cách khác để không gặp rắc rối trong việc bảo mật và lưu trữ nó. Các nhà đầu tư có thể làm như vậy thông qua các quỹ Bitcoin, cho phép họ giao dịch tiền mã hóa với giá rẻ hơn và tích hợp nó vào danh mục đầu tư cùng với cổ phiếu và trái phiếu.

Nhưng các quỹ tiền mã hóa có nhiều hình thái khác nhau. Và, trong một thị trường đầy biến động như ngày nay, chúng có thể mang lại rủi ro khác ngoài các chuyển động vốn đã hay thay đổi của Bitcoin. Dưới đây là các cách tiếp cận khác nhau:

Nắm giữ trực tiếp Bitcoin trong ETF

Phương tiện đầu tư được trong đợi nhất sẽ là Bitcoin ETF, một quỹ mở, giao dịch trao đổi, được hỗ trợ bởi việc nắm giữ Bitcoin thực tế được lưu giữ an toàn. ETF là tên viết tắt của cụm từ Exchange Traded Fund – quỹ đầu tư giao dịch trên các sàn chứng khoán, với cách vận hành tương tự như cổ phiếu.

Giả sử ETF là rổ có khả năng chứa các loại tài sản như chứng khoán hàng hóa hay cổ phiếu… dưới sự kiểm soát của một tổ chức gọi là nhà quản lý quỹ. Chúng sẽ được sử dụng trong các giao dịch với giá trị gần đúng với tài sản ròng.

Chính xác hơn, thay vì đầu tư trực tiếp tài sản vào công ty/tổ chức đứng tên phát hành cổ phiếu như cách chơi chứng khoán truyền thống, bạn đem tài sản đó đầu tư vào quỹ ETF chứa cổ phiếu của công ty/tổ chức đó và theo dõi hoạt động toàn bộ đều có thể thông qua quỹ ETF.

Các hình thức đầu tư Bitcoin đều tiềm ẩn rủi ro lớn - ảnh 1

Phương tiện đầu tư được mong muốn nhất là Bitcoin ETF, một quỹ mở, giao dịch trao đổi, được hỗ trợ bởi việc nắm giữ Bitcoin thực tế được lưu giữ an toàn. ETF là tên viết tắt của cụm từ Exchange Traded Fund – quỹ đầu tư giao dịch trên các sàn chứng khoán, với cách vận hành tương tự như cổ phiếu. Ảnh: CoinTelegraph.

ETF có thể tạo và mua lại cổ phiếu tự do theo nhu cầu của nhà đầu tư. Điều đó có nghĩa là quỹ có thể theo dõi chính xác giá của các tài sản cơ bản của mình, mà không bị ảnh hưởng bởi cung và cầu đối với chính quỹ đó.

Các nhà đầu tư sẽ không phải tăng giá cổ phiếu khi có lượng mua mạnh hoặc chứng kiến ​​cổ phiếu giảm xuống dưới giá Bitcoin khi có nhiều người bán. ETF Bitcoin cũng sẽ rất thanh khoản, với phần lớn thời gian cổ phiếu được giao dịch trên các sàn giao dịch chính.

Mặc dù hình thức ETF có vẻ tốt, mới chỉ tồn tại các quỹ Bitcoin ETF ở Canada, các nhà quản lý Mỹ vẫn chưa phê duyệt hình thức quỹ Bitcoin ETF cho thị trường Mỹ. Đã có hàng chục các nhà quản lý tài sản đã nộp đơn đăng ký của họ với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) với sự háo hức của công chúng.

Nhưng cơ quan quản lý vẫn thận trọng về tính biến động cao của tài sản kỹ thuật số và sự tiềm ẩn nguy cơ thao túng. Sáu ứng dụng Bitcoin ETF hiện đang được SEC xem xét chính thức, bao gồm một ứng dụng từ quỹ đầu tư khổng lồ Fidelity. Ngoài ra, còn có khoảng 10 ứng dụng khác đang chờ xử lý.

Các nhà đầu tư Mỹ có thể hiểu rõ cách thức hoạt động của Bitcoin ETF bằng cách tham khảo từ Canada. Ủy ban Chứng khoán Ontario đã phê duyệt một số ETF Bitcoin và Ethereum vào đầu năm nay và cuộc khủng hoảng tiền mã hóa trong tháng này đã chứng minh rằng các ETF có thể hoạt động như dự kiến ​​của chúng.

Khi giá Bitcoin trượt dài, quỹ ETF Purpose Bitcoin trị giá 875 triệu dollar Canada (có quy mô lớn nhất trong số các đối thủ Canada của nó)  gần như đã chuyển sang giai đoạn khóa. Quỹ cũng đã chứng kiến ​​những dòng tiền chảy ra rất nhỏ mặc dù giá Bitcoin giảm mạnh.

Từ đỉnh cao của tiền mã hóa vào ngày 8/5 đến 19/5, Purpose Bitcoin ETF có dòng chảy tài sản chỉ là 27 triệu dollar Canada - một mức giảm nhỏ so với quy mô của quỹ. Điều này có nghĩa là hầu hết các cổ đông ETF có khả năng là những người tin tưởng Bitcoin dài hạn và không dễ dàng nao núng trước những biến động ngắn hạn.

Các quỹ Bitcoin đóng có khoảng cách về giá

Hiện tại, các nhà đầu tư Hoa Kỳ chỉ có thể chọn lựa chọn thứ hai: quỹ Bitcoin đóng không thể tự do tạo cổ phiếu và mua lại nhưng được giao dịch công khai trên các sàn giao dịch. Tùy thuộc vào nhu cầu của nhà đầu tư đối với quỹ, số lượng cổ phiếu cố định có thể gây ra mức phí, chiết khấu tăng/giảm đáng kể so với giá Bitcoin.

Quỹ Bitcoin lớn nhất tại Mỹ, Grayscale Bitcoin Trust (GBTC) trị giá 25,5 tỷ USD, đã giao dịch với mức phí đáng kể kể từ khi ra mắt vào năm 2013, khi giá Bitcoin tăng theo cấp số nhân và các nhà đầu tư sẵn sàng trả cho khoản phí cao 2% của nó vì thiếu các lựa chọn.

Tuy nhiên, xu hướng đã đảo ngược trong vài tháng qua, cùng dự đoán trước về các ETF Bitcoin chi phí thấp hơn sẽ ra đời và sự biến động ngày càng tăng của tiền mã hóa, cổ phiếu Grayscale trở nên ít được ưa chuộng hơn.

Nhiều nhà đầu tư đã mua cổ phiếu Grayscale với phí cao, đôi khi bằng tiền đi vay và một số bị buộc phải thanh lý khi giá giảm. Quỹ này đã giao dịch với mức chiết khấu trên giá trị của Bitcoin mà quỹ nắm giữ kể từ tháng 2 và mức chiết khấu tiếp tục tăng. Trong tháng qua, giá cổ phiếu của GBTC đã giảm hơn 6 điểm % so với các tài sản cơ bản. Có thời điểm, mức chiết khấu lên tới hơn 20% và hiện vẫn ở mức 13%.

Các hình thức đầu tư Bitcoin đều tiềm ẩn rủi ro lớn - ảnh 2

GBTC là quỹ đóng với nhiều bất cập về mức phí và chiết khấu. Ảnh: Bitcoinyou.

Nhưng khoảng cách về giá đối với các quỹ tiền mã hóa đóng, không phải lúc nào cũng giống nhau. Osprey Bitcoin Trust (OBTC) trị giá 109 triệu USD là một chọn lựa nhỏ hơn, mới hơn và rẻ hơn nhiều bắt đầu vào tháng 2. Gần đây OBTC đã không giảm giá hoặc tăng phí nhiều mặc dù Bitcoin biến động lớn.

Greg King, Giám đốc điều hành của Osprey cho biết: “Quỹ đang giao dịch khá ổn định, điều này rất tốt cho các nhà đầu tư thị trường thứ hai. Tuy nhiên, việc tạo cổ phiếu mới cho quỹ thông qua phát hành tư nhân phần lớn đã tạm dừng do nhu cầu cạn kiệt".

Cả hai quỹ đóng cho biết họ có ý định chuyển đổi sang ETF khi được phép. Nếu điều đó xảy ra, bất kỳ khoản phí nào sẽ sớm biến mất. Điều đó có nghĩa là mua cổ phiếu Grayscale được chiết khấu giờ đây có thể cung cấp điểm đầu vào thấp hơn. Quỹ Grayscale cũng có tính thanh khoản cao hơn nhiều so với quỹ Osprey, có nghĩa là chênh lệch giá mua/bán hẹp hơn khi giao dịch trên các sàn giao dịch.

Quỹ đầu tư vào hợp đồng tương lai Bitcoin

Cho dù đóng hoặc mở, cả hai loại quỹ được đề cập ở trên đều được bảo đảm bởi việc nắm giữ trực tiếp Bitcoin, giống như cách quỹ tín thác vàng SPDR Gold Shares và iShares Gold Trust giữ các thanh vàng trong kho cho các cổ đông. Một cách khác để đầu tư vào Bitcoin là thông qua các quỹ ETF tổ chức đặt cược hợp đồng tương lai vào giá của tiền mã hóa.

Ví dụ: hai quỹ ETF Canada được phê duyệt tháng trước là Horizons BetaPro Bitcoin ETF  và Horizons BetaPro Inverse Bitcoin ETF, cho phép các nhà đầu tư đặt cược vào việc giá Bitcoin sẽ tăng hay giảm trong các vị trí dài hoặc ngắn hạn trong tương lai.

Tuy nhiên, gần đây, họ đã gặp phải một số vấn đề khi Chicago Mercantile Exchange tạm dừng giao dịch hợp đồng tương lai Bitcoin sau khi giá của chúng giảm gần 1/3. Đây là cơ chế nhằm giúp làm chậm giao dịch hoảng loạn trên thị trường kỳ hạn.

Các hình thức đầu tư Bitcoin đều tiềm ẩn rủi ro lớn - ảnh 3

Đầu tư vào hợp đồng tương lai Bitcoin cũng gặp rủi ro gián đoạn thị trường. Ảnh: Nami.

Các quỹ Horizons đã gửi cảnh báo "sự gián đoạn thị trường" đến các nhà tạo lập thị trường, những người tạo điều kiện cho giao dịch ETF trên sàn giao dịch kỳ hạn, cảnh báo rằng họ sẽ không thể thực hiện các lệnh mua và bán nếu giá kỳ hạn vẫn ở giới hạn thấp hơn vào cuối ngày giao dịch. Giá kỳ hạn cuối cùng đã bắt đầu di chuyển trở lại.

Nhưng điều này làm nổi bật những rủi ro tăng thêm trong thị trường hợp đồng tương lai tiền mã hóa, mà hầu hết các nhà đầu tư ETF bán lẻ có thể không nhận thức được, đặc biệt là khi các biến động giá lớn xảy ra.

Đầu tháng này, SEC đã đưa ra một tuyên bố tập trung vào việc liệu các quỹ tương hỗ có nên cung cấp cho các nhà đầu tư tiếp xúc với hợp đồng tương lai Bitcoin hay không. Đặc biệt, nó làm dấy lên lo ngại về tính thanh khoản của các quỹ tương hỗ, vốn cần phải có đủ tiền mặt dự trữ để trả cho các nhà đầu tư bán cổ phiếu của họ.

Trong khi vẫn còn hiếm, một số nhà quản lý tài sản lớn đã bắt đầu xem xét đầu tư vào hợp đồng tương lai Bitcoin trong các quỹ tương hỗ, bao gồm BlackRock và Morgan Stanley. Tuyên bố của SEC cũng đề cập đến ETF, lưu ý rằng nhân viên SEC sẽ xem xét liệu “thị trường tương lai Bitcoin có thể chứa các ETF hay không. ETF không giống như các quỹ tương hỗ, không thể ngăn cản tài sản của nhà đầu tư bổ sung vào ETF nếu ETF trở nên quá lớn hoặc chi phối thị trường, hoặc nếu tính thanh khoản trên thị trường bắt đầu suy yếu".

Sự ra đời của ETF Bitcoin ở Mỹ, cho dù được hỗ trợ bởi việc nắm giữ trực tiếp hoặc giao dịch hợp đồng tương lai, có thể vẫn còn rất xa.

Tiệp Nguyễn