Các ngân hàng đang nắm giữ bao nhiêu trái phiếu doanh nghiệp?
Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hoặc tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, phân phối… TPDN; mới đây, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại gồm Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank.
Vậy thực tế tình hình các ngân hàng nắm giữ TPDN ra sao?
Bức tranh thị trường TPDN năm 2021 và quý I/2022
Theo một báo cáo gần đây của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2021, quy mô thị trường TPDN tương đương 18,2% GDP, tức tăng 42,4% so với cuối năm 2021 (17,11% GDP). Trong đó, quy mô thị trường TPDN riêng lẻ đạt 16,84% GDP, tăng 40,5%.
Xét về giá trị phát hành theo nhóm ngành, các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành nhiều TPDN nhất trong năm 2021 (chiếm 36,18% tổng khối lượng phát hành), sau đó là doanh nghiệp bất động sản ở vị trí thứ hai (33,16%).
Bước sang quý I/2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã vươn lên dẫn đầu giá trị phát hành TPDN với 45,1% giá trị phát hành, trong khi các tổ chức tín dụng vẫn nằm trong 5 nhóm ngành có giá trị phát hành lớn nhất.
Còn xét về nhà đầu tư, số liệu mà Bộ Tài chính công bố cho thấy trong năm 2021, cùng với các công ty chứng khoán, các tổ chức tín dụng là nhà đầu tư chính trên thị trường TPDN sơ cấp, với mức mua ước tính 37,87% tổng khối lượng phát hành. Tổ chức tín dụng chủ yếu mua trái phiếu bất động sản, xây dựng và sản xuất, chiếm lần lượt 41,26%, 40,99% và 55,46% khối lượng phát hành của mỗi nhóm.
Bước sang quý I/2021, tổ chức tín dụng tiếp tục là nhà đầu tư chính về TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp, mua 41,5% tổng khối lượng phát hành.
Phát biểu tại "Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế" ngày 22/4, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết các tổ chức tín dụng không chỉ là các nhà phát hành lớn TPDN mà còn là nhà đầu tư trực tiếp TPDN quan trọng. Ước tính đến cuối năm 2021, có 41 tổ chức tín dụng tham gia thị trường TPDN với tổng dư nợ trái phiếu tín dụng khoảng 274 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống.
Các ngân hàng nắm giữ bao nhiêu TPDN?
Theo số liệu từ báo cáo tài chính năm 2021, có nhiều ngân hàng nắm giữ hơn 10.000 tỷ TPDN như TCB (62.808,8 tỷ), MBB (42.368,7 tỷ), VPB (41.608,5 tỷ), STB (23.728 tỷ), TPB (18.621,4 tỷ), BID (14.167,9 tỷ), OCB (13.604,9 tỷ), VCB (11.929,8 tỷ), HDB (10.213,1 tỷ)...
Còn nếu tính đến hết quý I/2022, TCB tiếp tục là nhà băng nắm giữ lượng TPDN lớn nhất (76.783 tỷ đồng, tăng 22,25% so với cuối năm 2021). Tiếp theo là MBB (50.620,6 tỷ đồng, tăng 19,48%), VPB (27.797,8 tỷ đồng, giảm 33,2%), TPB (27.634 tỷ đồng, tăng 48,4%)...
Theo thống kê của PV, có ít nhất 12 ngân hàng ghi nhận lượng TPDN nắm giữ tăng lên trong quý I/2022 so với quý IV/2021. Trong đó đáng chú ý có mức tăng 169,11% của ngân hàng SHB (lên 16.408,9 tỷ đồng), hay mức tăng gần 50% tại các ngân hàng CTB, NAB, TPB.
Theo thống kê, tại một số ngân hàng, lượng TPDN đang nắm giữ chiếm tỷ lệ đáng kể so với tổng tài sản, chẳng hạn TCB (12,48%), TPB (9,13%), MBB (7,8%), OCB (7,4%), NCB (7,15%), VPB (4,93%) hay VBB (4,68%), STB (4,21%)... tính đến hết quý I/2022. Hay PVcomBank (4,47%), BaoVietBank (18,94%)... tính đến cuối năm 2021.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều ngân hàng mà lượng TPDN đang nắm giữ chỉ chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng tài sản. Chẳng hạn VAB (0,08%), BAV (0,03%) hay LPB (0,007%)...tính đến hết quý I/2022.
Nếu nhìn rộng ra cả hệ thống ngân hàng, mức độ nắm giữ TPDN của các ngân hàng hiện nay nói chung là không quá lớn so với tổng quy mô tài sản, do đó khả năng gây ra rủi ro hệ thống là không lớn. Nhưng do sự liên thông trên thị trường tài chính và huy động vốn, một khi thị trường TPDN xuất hiện vấn đề, ít nhiều sẽ tác động đến ngành ngân hàng trong dài hạn.
Tác động ở đây không chỉ ở khía cạnh ngân hàng bảo lãnh phát hành hay phân phối trái phiếu cho doanh nghiệp, mà xa hơn còn liên quan đến tăng trưởng tín dụng và dòng vốn trong nền kinh tế. Bởi một mục đích quan trọng của phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp là để chia sẻ gánh nặng với tín dụng ngân hàng như một kênh dẫn vốn của nền kinh tế, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Do đó, nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp không thông, áp lực với tín dụng ngân hàng trong tương lai sẽ tăng lên.