Siết trái phiếu doanh nghiệp khiến ngân hàng gặp áp lực lớn
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn. Do đó, ngành ngân hàng cũng đang gặp áp lực rất lớn trong vấn đề cung ứng vốn cho nền kinh tế.
TS Nguyễn Quốc Hùng cho hay, trong bối cảnh tháng 10/2022 tới, các ngân hàng phải thực hiện đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 30% theo lộ trình Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
Theo lãnh đạo VNBA, lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được kéo dài, sửa đổi nhiều lần, do đó đến nay dứt khoát phải thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần phải xác định lại thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Trong số đó, ngành ngân hàng là thị trường tiền tệ, cung ứng vốn ngắn hạn, còn thị trường vốn là chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp cung cấp vốn trung dài hạn.
Vì vậy, không thể để thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề là yêu cầu ngân hàng phải nới room tín dụng, phải kéo dài Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, ngành ngân hàng Việt Nam khác ngân hàng các nước là đang phải làm một lúc hai "vai". Đó là ổn định thị trường tiền tệ và kiểm soát lạm phát. Do đó, ngân hàng phải tính toán việc “bơm” vốn ra thị trường để kiểm soát lạm phát, chứ không phải khi thị trường vốn khó khăn là nới room tín dụng.
Đối với vấn đề tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nay ngành ngân hàng không đặt vấn đề siết hay cấm tín dụng bất động sản, nhưng luôn cảnh báo rủi ro và các ngân hàng cũng phải thận trọng với các khoản vay này.
Lãnh đạo VNBA nhấn mạnh: có 70% tài sản đảm bảo của của các tổ chức tín dụng là bất động sản và đây là con số quá lớn. Trong khi giá bất động sản đang cao, nếu thị trường đi xuống thì các ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro.
“Giả sử như trước đây, nhà giá 100 triệu đồng/m2, ngân hàng cho vay 50% thì chỉ cho vay 50 triệu đồng. Nhưng nay là 300 triệu đồng/m2 thì phải cho vay 150 triệu. Vậy khi bất động sản xuống thì ai chịu rủi ro. Cho nên không cần siết thì các ngân hàng cũng thấy được rủi ro cho mình ", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, nếu thị trường bất động sản đóng băng, không chỉ ảnh hưởng đến tín dụng bất động sản mà còn ảnh hưởng đến các khoản nợ nói chung.
Bởi, thị trường bất động sản liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác, như điện, xi măng, sắt thép…Do đó, phải quản lý phù hợp và không nên siết tín dụng mà phải cảnh báo, rà soát.