Các ngân hàng trung ương lớn trong tình thế tiến thoái lưỡng nan
Những nỗ lực cân bằng chính sách của các ngân hàng bắt đầu vào ngày 14/12 với cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong hai ngày và sẽ bao gồm các tuyên bố mới về chính sách tiền tệ của Fed vào ngày 15/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vào ngày 16/12, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vào ngày 17/12.
Tất cả các ngân hàng đều đang đứng trước một tình thế khó khăn khi phải quyết định liệu yêu cầu chống lạm phát cùng với kết thúc giai đoạn lãi suất thấp và mua tài sản có cấp thiết hơn mối đe dọa đối với nền kinh tế do biến thể mới hay không. Nhưng cách tiếp cận khác nhau của các ngân hàng có thể đưa đến sự khác biệt trong những chính sách sẽ được thực hiện trong năm tới.
Tình hình lạm phát, thị trường lao động và mức độ tác động của dịch đến hoạt động kinh tế ở mỗi nền kinh tế lớn là khác nhau, đưa đến sự chia rẽ lớn trong cách thức các ngân hàng trung ương ứng phó với giai đoạn sắp tới của đại dịch. Điều này là trái ngược với làn sóng hỗ trợ lớn và đồng loạt khi đại dịch bùng phát vào đầu năm ngoái.
BoE gần đây đã tiến rất gần đến khả năng tăng lãi suất khi lạm phát cao, nhưng các nhà hoạch định chính sách đã phải trì hoãn điều này do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron và việc thực hiện các biện pháp hạn chế mới. Ngân hàng này được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp trong tuần này, khi đại dịch vẫn là yếu tố quyết định.
Ông Michael Saunders, một trong số các nhà hoạch định chính sách của BoE, hồi đầu tháng này nói rằng cần chờ thêm để đánh giá tác động của biến thể mới đến nền kinh tế, khi những rủi ro đã gia tăng.
ECB có thể tiếp tục chính sách hiện nay và BoJ sẽ bước đầu giảm tốc độ mua trái phiếu trong đại dịch khi lạm phát giảm và đà phục hồi kinh tế ở Khu vực sử dụng đồng euro và Nhật Bản yếu hơn. Triển vọng hai ngân hàng này tăng lãi suất có thể còn xa.
Trong trường hợp của ECB, các nền kinh tế trong khu vực có những khác biệt lớn. Bất cứ quyết định giảm mạnh các biện pháp hỗ trợ nào cũng sẽ đưa đến những hệ lụy không mong muốn cho việc ổn định nợ ở mức cao của những nền kinh tế như Italy.
Đối với Nhật Bản, lạm phát gần như vẫn rất thấp. Chỉ có việc giảm tốc độ mua tài sản của doanh nghiệp là đang được bàn tới.
Trong khi đó, Fed có thể đẩy mạnh việc thắt chặt chính sách trong năm tới. Fed đang phải đối với với việc lạm phát ở mức cao hơn gấp đôi mức mục tiêu 2% và trong thời gian đủ dài để khiến các nhà hoạch định chính sách không thể cho là tạm thời.
Trong khi thị trường lao động Mỹ vẫn thiếu vài triệu việc làm so với mức đỉnh trước đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng có thể báo hiệu mục tiêu tối đa việc làm sắp đạt được.