Các nước cam kết ký RCEP theo kế hoạch bất chấp COVID-19
(DNVN) - Thái Lan và các đối tác đối thoại đang thúc đẩy việc xem xét các văn bản pháp lý và các vấn đề khác, chuẩn bị cho văn bản cuối cùng để các nước thành viên RCEP đặt bút ký.
Truyền thông Thái Lan cho biết các đối tác đối thoại của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn cam kết sẽ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay theo kế hoạch.
Các bên đưa ra cam kết bất chấp sự lây lan của virus SARS-CoV2 khiến hầu hết các hội nghị trực tiếp của ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và RCEP dự kiến được tổ chức trong đầu năm nay phải hoãn lại.Theo bà Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cơ quan này đã điều chỉnh kế hoạch đàm phán thương mại trong mùa dịch thông qua các hội nghị video trực tuyến để đàm phán với các đối tác đối thoại.
Hội nghị Ủy ban Đàm phán thương mại RCEP lần thứ 29 dự kiến được tổ chức từ ngày 23-27/3 tại Jakarta, Indonesia cũng sẽ được tổ chức theo hình thức hội nghị video trực tuyến.
Thái Lan và các đối tác đối thoại đang thúc đẩy việc xem xét các văn bản pháp lý và các vấn đề khác liên quan theo kế hoạch làm việc đã được đưa ra, chuẩn bị cho văn bản cuối cùng để các nước thành viên RCEP đặt bút ký.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 nước thành viên ASEAN và sau nước đối tác đối thoại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Các cuộc đàm phán RCEP bắt đầu từ cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh, Campuchia.
Vào phút cuối của vòng đàm phán tháng 11/2019, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Thái Lan, Ấn Độ đã rút khỏi RCEP bắt nguồn từ một số vấn đề chưa được giải quyết, nhất là những vấn đề liên quan đến thuế nông nghiệp.
Bất chấp việc Ấn Độ có tham gia hay không, hiệp định RCEP vẫn được lên kế hoạch ký kết chính thức vào năm nay và có thể có hiệu lực trong năm 2020 hoặc trong tháng 1/2021./.