Các tập đoàn tư nhân đồng loạt đưa kiến nghị để phát triển

18:24 | 02/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân, các tập đoàn như: THACO, Vingroup, Vietjet Air đã đồng loạt gửi các kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành liên quan để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.

THACO: Không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước

Theo ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (THACO) chia sẻ, THACO từng là doanh nghiệp tư nhân nhỏ chuyên buôn bán và sửa chữa ô tô được thành lập vào năm 1997 tại Đồng Nai. Qua 22 năm phát triển và hơn 15 năm đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai tỉnh Quảng Nam, đến nay doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp đầy đủ các chủng loại ô tô, đầu tư rất lớn cho sản xuất và công nghiệp hỗ trợ, đang phát triển mạnh ngành cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN, xe du lịch sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh rất gay gắt và không cân xứng với các nước Thái Lan, Indonesia có thị trường ô tô nội địa lớn hơn Việt Nam nhiều lần (1,5 triệu xe mỗi năm còn Việt Nam mới đạt 300.000) và có lịch sử phát triển từ rất lâu (trên 50 năm).

Hiện nay, số lượng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN về rất nhiều. Thống kê 3 tháng đầu năm 2019 đạt 39.000 xe các loại, bằng một phần hai cả năm 2018 là 78.200 xe. Do vậy, THACO kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội trong năm nay về chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành.

Đồng thời doanh nghiệp cho tiến hành hậu thanh kiểm tra điều kiện để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% là tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu đạt 40% đối với các xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN nhằm tránh gian lận thương mại và thất thu thuế. Vì để đạt được tỉ lệ nội địa hóa 40% là rất khó, nhất là đối với những mẫu xe du lịch cao cấp.

Ngoài ra, hiện đầu tư vào nông nghiệp, THACO cũng nhận xét tiếp cận tín dụng rất khó khăn do nông nghiệp quy mô lớn bị xem là nhiều rủi ro. Ông Phạm Văn Tài mong muốn Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét có chính sách hỗ trợ tín dụng chung cho nông nghiệp và hỗ trợ cho thị trường xuất khẩu nông sản nói riêng.

VinFast đề xuất 5 kiến nghị nhằm phát triển kinh tế tư nhân

Từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast cho biết, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và đóng góp tới 40% tổng GDP. Các doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm nếu sẵn sàng đổi mới sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thực sản xuất hiện đại.

Các tập đoàn tư nhân đồng loạt đưa kiến nghị để phát triển - ảnh 1
 Một góc của nhà máy sản xuất ô tô VinFast.
Vingroup cũng đang thay đổi toàn diện với định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - thương mại và dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Bước đi đầu tiên là xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng ứng dụng công nghệ 4.0. Với kỷ lục 21 tháng từ lúc khởi công và đi vào hoạt động, VinFast được kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu Việt ra thế giới.
Bên cạnh đó, VinFast cũng đầu tư mạnh mẽ cho quá trình R&D để có thể rút ngắn thời gian và nhanh chóng đi ngang với các quốc gia phát triển trong một số lĩnh vực như xe điện, điện tử, công nghệ thông minh...
"Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được chú trọng bằng việc thành lập trung tâm đào tạo VinFast, thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc", ông Huệ nói.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Tập đoàn Vingroup đưa ra 5 đề xuất nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển.
Thứ nhất, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ ba, Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt kiều.
Thứ tư, Chính phủ tiếp tục có những chính sách để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, bởi lĩnh vực này đóng vai trò bổ trợ rất lớn cho ngành công nghiệp ô tô phát triển và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.
Thứ năm, cần tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Hai kiến nghị từ hàng không tư nhân Vietjet Air
Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air cho biết: Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên, với giấy phép mở đường cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hàng không, Vietjet cất cánh mang đến những thay đổi với ngành hàng không Việt Nam. Nhờ đó, hàng triệu người lần đầu tiên tiếp xúc với phương tiện di chuyển văn minh, được đi trên những máy bay mới, hiện đại.
Theo bà, từ thống kê quốc tế cho thấy, cứ 1% tăng trưởng của hàng không tương ứng với 0,4-0,5% tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam trong những năm gần đây, ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14-15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8-7% mỗi năm. Năm 2018, Vietjet đóng góp vận chuyển hơn 23 triệu lượt khách trong số 49,3 triệu của toàn ngành; thực hiện 118.923 chuyến bay an toàn với 66 đường bay quốc tế tới Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia... Tổng doanh thu đạt 52.135 tỷ đồng.
"Chúng tôi tự hào là nhân tố thúc đẩy những đổi mới tích cực của ngành hàng không Việt Nam từ luật pháp chính sách, tới phương thức quản lý và kế hoạch liên tục mở rộng, nâng cấp xây mới các sân bay, phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ hàng không. Doanh nghiệp có ước vọng xây dựng Việt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ hàng không của khu vực trong công tác dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa, bảo dưỡng, đào tạo nhân lực chất lượng cao", đại diện Vietjet Air nhấn mạnh.
Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, bà đưa ra một số kiến nghị:
Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ như đề xuất dự án nâng cấp sân bay Điện Biên, hãng tính phải 60-70 năm mới hoàn vốn nhưng dự án có ý nghĩa lịch sử, một địa danh gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ. Do đó hãng nhận thấy cần đầu tư thành điểm đến quốc tế mang tính lịch sử, một vùng kinh tế phát triển văn minh.
Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân mong được sự đối xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong.