Các tổ chức quốc tế tiếp tục ca ngợi và kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam

17:16 | 17/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kinh tế Việt Nam được các tổ chức nước ngoài tiếp tục ca ngợi và kỳ vọng sẽ tăng trưởng bền vững trong dài hạn và trở thành một trong những thị trường triển vọng nhất của châu Á
Gặt hái được nhiều lợi ích hơn từ kết quả cuộc chiến chống dịch COVID-19
 
Trang imf.org của IMF mới đây đã đăng báo cáo đánh giá thường niên về nền kinh tế Việt Nam, trong đó chỉ ra những cải cách trong các lĩnh vực sẽ giúp Việt Nam gặt hái được nhiều lợi ích hơn từ kết quả cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
 
Theo báo cáo, bất chấp đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 (tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới) và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt trong các lĩnh vực kinh tế và y tế.
 
Các tổ chức quốc tế tiếp tục ca ngợi và kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam - ảnh 1
 Năm 2020, Việt Nam tăng trưởng cao nhất châu Á - Nguồn: imf.org
 
Việc áp dụng nhanh chóng các biện pháp kiểm soát, kết hợp với truy vết tích cực, xét nghiệm đúng đối tượng và cách ly các ca nghi mắc COVID-19 đã giúp tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức rất thấp theo bình quân đầu người. Việc Việt Nam đứng trong danh sách các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm ngoái là nhờ các hoạt động trong nước sớm phục hồi và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, đặc biệt là xuất khẩu điện tử công nghệ cao khi mọi người trên thế giới làm việc tại nhà.
 
Đánh giá của IMF chỉ ra rằng, Việt Nam bước vào đại dịch với các nền tảng kinh tế và vùng đệm chính sách vững chắc, mặc dù vẫn còn một số thách thức về cơ cấu cần phải giải quyết. Đầu tư nước ngoài mạnh và thặng dư tài khoản vãng lai đã tăng cường năng lực phục hồi của kinh tế. Dù vẫn còn một số điểm yếu, sức khỏe của hệ thống ngân hàng được cải thiện, với khả năng sinh lời, thanh khoản cao hơn và ít nợ xấu hơn so với trước kia.
 
Việt Nam cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong việc củng cố tài chính công trước COVID-19. Việc xây dựng các vùng đệm về tài khóa và tài chính trước đại dịch đã giúp Việt Nam đương đầu tốt hơn với cú sốc. Tuy nhiên, theo IMF, vẫn còn khoảng trống lớn để Việt Nam thúc đẩy năng suất và cải thiện khả năng phục hồi kinh tế. 
 
Báo cáo của IMF cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện. Các chính sách trong ngắn hạn cần tập trung vào việc duy trì việc làm trong khi thúc đẩy sự phân bổ lại các nguồn lực. Cụ thể, việc này có thể được hiện thực hóa nhờ sử dụng trợ cấp tuyển dụng và các chính sách thị trường lao động tích cực để khuyến khích đào tạo việc làm. Mạng lưới an sinh xã hội hiện nay cần được mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao hiệu quả.
 
Báo cáo cũng nhận định sự phục hồi bền vững phụ thuộc vào việc bảo đảm ổn định tài chính. Các chính sách về tiền tệ, tài khóa và tài chính do Chính phủ Việt Nam thực hiện đã giúp giảm thiểu nguy cơ gia tăng các vụ vỡ nợ và sa thải hàng loạt của các công ty trong thời gian trước mắt. Những hỗ trợ như vậy cần nhằm đúng đối tượng hướng đến các doanh nghiệp kém thanh khoản nhưng khả thi cho đến khi khả năng phục hồi vững chắc hơn. Ngoài ra, việc tiếp tục giám sát chặt chẽ song song với những nỗ lực giải quyết các khoản vay có vấn đề, cũng như tăng cường khuôn khổ quản lý và giám sát kịp thời sẽ giúp giải quyết các rủi ro của hệ thống tài chính.
 
Báo cáo khuyến nghị cần tiến hành cải cách quyết liệt hơn để tận dụng tối đa tiềm năng tăng trưởng to lớn của Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải giải quyết các nguyên nhân khiến năng suất thấp.
 
Theo IMF, Việt Nam nên ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải cách hướng tới giảm bớt gánh nặng pháp lý mà các doanh nghiệp phải đối mặt, cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực của họ, đổi mới, tăng cường quản trị và tiếp cận công nghệ. Những cải cách trong lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa từ việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu đại dịch.
 
Doanh nghiệp kỳ vọng
 
Theo báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 3, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực nhờ có biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, song vẫn cần chú trọng đến công tác tiêm phòng, cũng như cần có chính sách hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho khu vực tư nhân.
 
Về tình hình dịch bệnh, WB đánh giá những biện pháp ứng phó kịp thời của Chính phủ Việt Nam đã giúp nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 vào cuối tháng 1/2021.
 
Nhờ có các biện pháp giãn cách xã hội nghiệm ngặt vào cuối tháng 1 và nửa đầu tháng 2, số lượng ca nhiễm mới có xu hướng giảm và các hạn chế phần nào được nới lỏng trong nửa cuối tháng 3.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam còn phê duyệt 3 loại vaccine ngừa COVID-19, thông qua nghị quyết mua tổng cộng khoảng 150 triệu liều và công bố nhóm đối tượng được ưu tiên.
 
 
Các tổ chức quốc tế tiếp tục ca ngợi và kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam - ảnh 2
 Sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019
 
Theo báo cáo, do đợt nghỉ Tết Nguyên đán, sản xuất công nghiệp đã bị chậm lại, song tính bình quân, trong 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Cụ thể, sản xuất kim loại và sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tiếp tục tăng lần lượt 8,6% và 3,2% trong tháng 2, nhờ nhu cầu cao trên thị trường thế giới.
 
Mặc dù có đợt bùng phát dịch COVID-19 mới, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 2 vẫn tăng 0,3% so với tháng trước và 8,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu tiêu dùng cao hơn trong dịp Tết.
 
Dù vẫn thấp hơn trước khi có dịch COVID-19, tỷ lệ tăng trưởng này cho thấy những biện pháp ứng phó có mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đã giảm thiểu tác động tiêu cực của những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đối với các hoạt động kinh tế lan sang các tỉnh ngoài tâm dịch.
 
Trong lĩnh vực ngoại thương, xuất khẩu giảm nhẹ ở mức 4,2%, trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh ở mức 11,8%  dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên được ghi nhận trong 10 tháng.
 
Dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng, trong khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hàn Quốc và Nhật Bản giảm.
 
Kim ngạch nhập khẩu tăng là do nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 2/2021 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái với nhập khẩu điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị chiếm một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm trước.
 
Điều này phản ánh sự phụ thuộc nhiều của Việt Nam vào nhập khẩu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
 
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2021, Chính phủ Việt Nam thu ngân sách 286.700 tỷ đồng, cao hơn 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
Đây là lần đầu tiên tổng thu ngân sách nhà nước tăng kể từ đầu cuộc khủng hoảng COVID-19 một năm trước. Kết quả tích cực này phản ánh sự phục hồi kinh tế đang diễn ra và việc chấm dứt hầu hết các ưu đãi thuế được áp dụng từ tháng 4/2020.
 
Chính phủ Việt Nam hiện đang thảo luận đề xuất của Bộ Tài chính về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đợt hai. Tổng quy mô của gói hỗ trợ này ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).
 
Nếu được thông qua và thực hiện tốt, chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình duy trì hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch vốn vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
 
Trong thời gian tới, WB cho rằng Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 vì hoạt động này sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có thể sẽ cần thêm những can thiệp về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi nhu cầu của khu vực tư nhân.
 
Thị trường triển vọng nhất của châu Á
 
Trang MoneyWeek của Anh vừa đăng bài viết đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất của châu Á trong suốt một thời gian dài. Theo bài báo, Việt Nam đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và ngày càng “tỏa sáng” hơn bao giờ hết.
 
Trong bài báo nhan đề "How to invest in Vietnam – an emerging market that shone in a difficult year" (tạm dịch: Đầu tư vào Việt Nam - một thị trường mới nổi đang tỏa sáng trong một năm đầy khó khăn), đăng tải trên tờ tuần báo đầu tư MoneyWeek của Anh, tác giả Cris Sholto Heaton nhận định rằng Việt Nam là một trong những thị trường hứa hẹn nhất trong dài hạn. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19 nhưng hiện nay nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt.
 
Theo đó, Việt Nam nổi bật trong danh sách các quốc gia hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020. Dù tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 chỉ là 2,91%, thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình 6%-7% của Việt Nam suốt nhiều năm qua, song vẫn vượt các nền kinh tế lớn khác ở châu Á và thu hút được sự chú ý trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ngay cả trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng COVID-19 trong quý II/2020, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và phục hồi nhanh chóng.
 
Bài viết của tác giả Cris Sholto Heaton đưa ra hàng loạt những lý do quan trọng giúp Việt Nam đạt được thành tích kinh tế nổi bật trong năm 2020. Trước hết, đó là khả năng phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, qua đó hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh của Việt Nam không xuất phát từ yếu tố may mắn, mà nhờ Chính phủ nhanh chóng thực thi các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 một cách quyết liệt, tờ MoneyWeek nêu rõ.
 
Mặc dù có đường biên giới sát với Trung Quốc - nước phát hiện ca nhiễm đầu tiên virus SARS-CoV-2 trên thế giới, nhưng với các biện pháp quyết liệt, mau lẹ, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn đảm bảo được tăng trưởng kinh tế. Việc Chính phủ Việt Nam hành động nhanh chóng, dứt khoát, nhất quán cùng với sự ủng hộ, đồng lòng từ phía người dân đã tạo nên thành công trong thời gian qua. Đây là nền tảng vững chắc để các tập đoàn kinh tế lớn tin tưởng môi trường đầu tư tại quốc gia này. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Việt Nam, trong đó có Dominic Scriven của Dragon Capital, Andy Ho và Khanh Vu của VinaCapital và Craig Martin của Dynam Capital, đều đánh giá cao những thành tích và nỗ lực của Việt Nam trong công tác chống dịch.
 
Bên cạnh đó, phải kể đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Khả năng ngăn chặn đại dịch và nỗ lực duy trì mở cửa nền kinh tế là một trong những nguyên nhân quan trọng mang lại thành tích tốt cho Việt Nam trong năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch, nhiều công ty, tập đoàn đã lựa chọn nhiều nước khu vực Đông Nam Á là điểm đến đầu tư nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể "hấp thụ" được nguồn lợi này. Trong khi đó, Việt Nam đã có chiến lược chủ động, chuẩn bị những điều kiện quan trọng, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, từ việc thu hút việc đầu tư trong lĩnh vực dệt may cho đến giành được sự quan tâm từ các tập đoàn điện tử khổng lồ như Apple, Samsung...
 
Ngoài ra, trình độ giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam tương đối tốt và chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo bài viết, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động dồi dào, có kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm. Đây là nguồn lực giá trị thu hút sự quan tâm của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam đã nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn. Nếu trong quá khứ, cơ sở hạ tầng là một trong những điểm yếu lớn nhất của Việt Nam, thì hiện lĩnh vực này đã có thêm nhiều triển vọng.
 
Minh Hoa