Cán cân xuất nhập khẩu hàng điện tử Nhật Bản lần đầu thâm hụt
Số liệu mới công bố của chính phủ Nhật Bản cho thấy cán cân thương mại hàng điện tử thâm hụt 81,2 tỷ yen (605 triệu USD) trong nửa sau của năm 2022.
Đây là lần đầu tiên nhập khẩu hàng điện tử trong khoảng thời gian 6 tháng nhiều hơn xuất khẩu, trong bối cảnh các sản phẩm của Nhật Bản bị đánh giá là giảm sức cạnh tranh.
Thâm hụt cán cân thương mại hàng điện tử cũng phản ánh động thái của các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài.
Đây là lần thâm hụt đầu tiên kể từ khi số liệu này được ghi nhận vào năm 1988, trái ngược hoàn toàn với giai đoạn những năm 1990 khi ngành công nghiệp điện tử thúc đẩy thương mại Nhật Bản, với mức thặng dư hàng năm vào khoảng 8 tỷ yen.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu thiết bị điện tử trong 6 tháng tính đến hết tháng 12/2022 đạt 9.230 tỷ yen, tăng 13,9% so với 6 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu tăng 17,2% lên 9.310 tỷ yen.
Nhập khẩu vật liệu bán dẫn và các linh kiện điện tử khác tăng trong bối cảnh sản xuất phục hồi sau đại dịch COVID-19, trong khi đồng yen mất giá so với đồng USD cũng giúp là tăng giá trị nhập khẩu.
Cán cân thương mại Nhật Bản có xu hướng thâm hụt từ cuối những năm 2000, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đẩy các công ty điện tử Nhật Bản chuyển sản xuất sang các nước có chi phí sản xuất thấp hơn.
Nhập khẩu hàng điện tử trong nửa cuối năm 2022 tăng 9,1 lần, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 1,8 lần, hoàn toàn trái ngược với giai đoạn nửa cuối năm 1991, khi thặng dư thương mại hàng điện tử của Nhật Bản lập kỷ lục trong giai đoạn 6 tháng là 4.170 tỷ yen.
Một trong những lý do khiến nhập khẩu tăng là cuộc cạnh tranh gay gắt về các sản phẩm điện thoại thông minh với iPhone của hãng Apple (Mỹ) và các thương hiệu nước ngoài khác.
Trong số các mặt hàng ghi nhận thâm hụt, thiết bị liên lạc, trong đó có điện thoại thông minh, thâm hụt 1.790 tỷ yen trong giai đoạn từ tháng 7-12/2022, tiếp đó là thiết bị gia dụng (400,3 tỷ yen) và thiết bị nghe nhìn (309,3 tỷ yen).
Trong khi đó, chất bán dẫn và các linh kiện điện tử khác thặng dư 378,4 tỷ yen, các thiết bị và mạch điện thặng dư 813,6 tỷ yen.
Hiện một số công ty Nhật Bản đang chuyển cơ sở sản xuất về lại trong nước do gián đoạn nguồn cung và những bất ổn địa chính trị.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu chính Hiromi Oki thuộc Viện Đầu tư và Thương mại Quốc tế, trạng thái của cán cân thương mại sẽ không thay đổi thời gian tới, do đó các công ty nên tận dụng cơ hội này để đầu tư vào các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn và thúc đẩy phát triển công nghệ.