Cận cảnh hàng trăm căn hộ tái định cư ‘đắp chiếu’ cả chục năm ở Hà Nội

Đông Bắc 08:08 | 06/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường đang khan hiếm nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhưng ngay cạnh đường Vành đai 3 và cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai cũ) vẫn còn hai toà chung cư xây xong đã gần chục năm mà không có người ở.

 

 Hai toà nhà tái định cư nhìn từ đường Vành đai 3 hướng Pháp Vân đến cầu Thanh Trì. (Ảnh Đông Bắc)

Để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, TP Hà Nội đã đầu tư nhiều khu nhà cao tầng để tái định cư. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số công trình vẫn chưa đưa vào sử dụng và để hoang, xuống cấp rất lãng phí.

 Phía trước toà nhà vắng bóng người, chỉ có chốt bảo vệ cạnh toà nhà. Ảnh Đông Bắc.

Nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến hai tòa nhà tái định cư ở đường Khuyến Lương (quận Hoàng Mai cũ) bị "bỏ quên" nhiều năm nay và đang dần có dấu hiệu xuống cấp.

 Lối đi vào toà nhà từ ngõ 22 đường Khuyến Lương. Ảnh Đông Bắc.

Theo ghi nhận của Doanhnhanhvn.vn đầu tháng 7/2025, trên đường Khuyến Lương, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - nay là phường Lĩnh Nam, TP Hà Nội hiện có hai tòa nhà chung cư tái định cư không có người ở.

Mỗi tòa cao 15 tầng nằm ngay sát bên trục đường vành đai 3 nhưng lại được xây dựng trên khu đất rất hẹp, không có tiện ích đi kèm.

 Cửa chính diện đóng kín, có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh Đông Bắc.

Theo quy hoạch, dự án xây dựng nhà tái định cư cao tầng phường Trần Phú có tổng diện tích đất là 3.434 m2; trong đó, diện tích xây dựng 1.943 m2, diện tích sàn 21.347 m2.

Sân toà nhà có nhiều xe ô tô đỗ nhờ và trẻ em xung quanh vui chơi. Ảnh Đông Bắc.

Tầng 1 của tòa nhà bố trí nhà trẻ, dịch vụ công cộng và sinh hoạt cộng đồng. Từ tầng 2 đến tầng 15 bố trí các căn hộ tái định cư với gần 200 căn hộ.

 Cỏ mọc cao, nhiều nhà xung quanh tận dụng quây khoảng sân để trồng rau. Ảnh Đông Bắc.

Tổng mức đầu tư của dự án trên 220 tỷ đồng, do Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC thi công, dự kiến hoàn thành vào quý I/2014.

 Góc bên phải toà nhà có dấu hiệu hư hại, lối lên xuống được đóng chặt bằng những tấm tôn. Ảnh Đông Bắc.

 Hiện trạng cảnh quan xung quanh tòa nhà đang trong tình trạng xuống cấp. Quanh tòa nhà sau nhiều năm bắt đầu có hiện tượng hoang hóa.

 Phía sau toà nhà cũng có dấu hiệu chắp vá, bịt kín. Ảnh Đông Bắc.

Ông Trần Văn L. (hộ dân sống cạnh hai toà chung cư) cho biết: "Không hiểu vì lý do gì mà 2 toà chung cư đã hoàn thiện từ lâu nhưng không có người đến ở. Chúng tôi ở quanh đấy chứng kiến công trình xuống cấp từng ngày rất xó xa và lãng phí".

 Lối xuống đường hầm căn nhà đã xuống cấp. Ảnh Đông Bắc.

Ông L. cho biết thêm: Hiện nay Hà Nội đang nhiều người không mua được nhà ở do giá nhà cao và ít dự án mới, khi chứng kiến hai toà nhà trên chục tầng cứ bỏ hoang gần chục năm nay quả thật là xót xa. Chúng tôi rất mong muốn dự án này sớm được đưa vào khai thác để cho nhân dân được sử dụng".

 Hàng trăm căn hộ bỏ không gây nên sự lãng phí. Ảnh Đông Bắc.

 Theo phản ánh của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện nay đang có tình trạng nhiều căn hộ tái định cư được đầu tư rất nhiều tiền nhưng lại bỏ không gây lãng phí, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nhà ở không ngừng tăng, vượt quá nguồn cung hiện hữu. Trong khi đó, hàng chục nghìn căn hộ phục vụ tái định cư đã hoàn thiện lại đang bị "bỏ hoang" tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước mỗi năm.

Lý giải về tình thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm; thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, sinh hoạt.

Một số dự án tái định cư gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém, chất lượng, thiết kế không hợp lý, thi công không đạt chuẩn đã khiến người dân không muốn chuyển đến ở. Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ và hệ thống giao thông…