Cần có kịch bản mới cho du lịch Việt Nam sau làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai?

13:39 | 21/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đã khiến du lịch Việt Nam lao đao khi hàng loạt cơ sở lưu trú, nhà hàng phải đóng cửa, công ty lữ hành thua lỗ, các điểm du lịch vắng khách. Dịch bùng phát lần 2 lại càng khiến ngành này bấp bênh.

Đại dịch COVID-19 xảy ra ở trên toàn cầu đã tác động, ảnh hưởng mạnh đến mọi hoạt động, đời sống của người dân và làm guồng máy sản xuất khắp nơi bị đình trệ. Đây được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 35 năm qua, tàn phá không chỉ các nền kinh tế dễ bị tổn thương mà còn khiến các nền kinh tế lớn rơi vào bế tắc.

Tại Việt Nam, làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 quay lại vào gần cuối tháng 7/2020 đã trở thành một hàng rào mới ngăn cản, làm trì hoãn quá trình nỗ lực phục hồi kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh tạm lắng xuống, khi nước ta đang trong giai đoạn thiết lập trạng thái "bình thường mới".

Du lịch Việt Nam được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn vì nước ta có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch Việt Nam lao đao khi hàng loạt cơ sở lưu trú, nhà hàng phải đóng cửa, công ty lữ hành thua lỗ, các điểm du lịch vắng khách.

Cần có kịch bản mới cho du lịch Việt Nam sau làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai? - ảnh 1

Cần tìm những hướng đi mới cho ngành du lịch Việt Nam.

Tình cảnh du lịch Việt sau "cú đấm bồi" của dịch COVID-19

Năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam lập kỳ tích lần đầu tiên đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018. Giai đoạn từ 2015-2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,7% mỗi năm. Việt Nam liên tục nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới.

Thiệt hại nặng nề là tình cảnh của du lịch toàn cầu nói chung, du lịch Việt Nam nói riêng khi đại dịch COVID-19 càn quyets khắp thế giới suốt từ đầu năm 2020. Khi những thành quả khống chế dịch bệnh bước đầu cùng chương trình kích cầu "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" đã giúp ngành công nghiệp không khói phần nào gượng dậy thì dịch bùng phát lần 2.

Theo báo Nhân Dân, số liệu do Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cung cấp cho thấy, ngành du lịch đóng góp tới 8,8% GDP và 25% số việc làm mới tạo ra cho xã hội thuộc lĩnh vực du lịch và lữ hành. Vậy mà, cũng theo một khảo sát của TAB vào cuối tháng 4/2020, có tới 65,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát phải cắt bớt một nửa số nhân viên, gần 20% cho nghỉ toàn bộ và 78% số doanh nghiệp chọn cắt giảm lương hoặc nhân viên tạm thời trong nỗ lực giảm chi phí để sống sót, 9% cực đoan hơn - đóng cửa kinh doanh.

Nhiều kịch bản khác nhau đã được Tổng cục Du lịch đưa ra, nhưng đáng buồn là dự đoán nào cũng… tăng trưởng âm. Theo đó, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 9/2020, lượng khách quốc tế sẽ giảm 75%, tương đương với 4,6 triệu lượt. Xấu nữa, dịch hoành hành hết tháng 12/2020 thì lượng khách quốc tế sẽ giảm 80%, khi dừng lại ở con số 3,7 triệu lượt đã đón trong 3 tháng đầu năm.

Như vậy, nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều công ty du lịch, khách sạn, hàng không, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch... có thể đứng trước nguy cơ phá sản. Hàng triệu lao động trong ngành du lịch có nguy cơ bị giảm thu nhập thậm chí bị cắt giảm do thiếu việc.

Trong hơn 4 tháng của năm 2020 (Tháng 3,4,5,6) với những thành công đáng ngưỡng mộ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã ca ngợi điểm đến Việt Nam an toàn. Thậm chí, một số quốc gia còn khuyến khích công dân nếu đi du lịch có thể chọn Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề chính là mức độ mở cửa như thế nào, khi Việt Nam an toàn nhưng dịch bệnh ở các nước vẫn diễn biến phức tạp? Trước khi kêu gọi du khách nước ngoài đến thì câu chuyện của Việt Nam chính là làm thế nào để tạo môi trường an toàn cho người dân trong nước?

Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 15/6, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề cập diễn biến của dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới kiến nghị cần lập lộ trình để mở cửa trở lại với các nước đã đủ điều kiện. Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần tính lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước để có thể vừa khai thác thị trường đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường và đầu tư trong nước, phát huy 3 sức mạnh của Việt Nam là văn hóa, chính trị và kinh tế.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là sau đó dịch lại bùng phát trong cộng đồng tại Việt Nam lần thứ hai vào đầu tháng 7/2020. Với sự vào cuộc hết sức quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội, đến nay dịch đã có dấu hiệu thuyên giảm. Mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn phải hết sức cảnh giác nhưng có lẽ cũng đã đến lúc phải tính đến những biện pháp để "cứu" du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.  

Cần kịch bản linh hoạt cho ngành du lịch? 

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, cần lộ trình mở cửa sớm bởi vì, khách hàng quốc tế thường cần thời gian tìm hiểu về điểm đến, nhất là sau đại dịch, nếu dịch an toàn rồi mới làm truyền thông thì sẽ bị chậm và lỡ thời cơ.

Theo thông tin trên tờ Tạp chí Nhà đầu tư, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Việt Nam đang mất đi thị trường lớn là Trung Quốc, ngành du lịch cần có hướng đi mới, xác định thị trường nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu. Đồng thời có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch như: Mỹ, Australia, Canada...

Bên cạnh đó, để tạo nên sự hấp dẫn du lịch nội địa, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Các công ty du lịch cũng cần nghiên cứu thay đổi định hướng thị trường khủng hoảng với tâm điểm từ thị trường Trung Quốc đã cho thấy hầu như của việc quá dựa vào 1 đến 2 thị trường lớn của du lịch Việt Nam (Trung Quốc chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm quá nửa tổng số khách quốc tế đến Việt Nam).

Khi dịch bệnh qua đi thì thị trường Trung Quốc sẽ cần thêm thời gian để hồi phục. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần nghiên cứu thu hút những thị trường mục tiêu tiềm năng khác.

Bên cạnh đó, với các công ty du lịch cần phải đồng lòng liên kết với hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng những gói kích cầu du lịch nhằm giúp cho du lịch hồi phục nhanh sau giai đoạn khủng hoảng. Các doanh nghiệp có thể tổ chức mời các đối tác, khách hàng lớn tham dự các chuyến FAM trip để giới thiệu các sản phẩm.

Cần có kịch bản mới cho du lịch Việt Nam sau làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai? - ảnh 2 

Khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh chấm dứt, khách đã quay trở lại, đây cũng là lúc doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông tiếp thị và bán hàng. "Việt Nam điểm đến an toàn", các gói du lịch khuyến mại kích cầu có thể tung ra để kích thích khách sớm đăng kí đi tour.

Ở khía cạnh nhà nước, các cơ quan quản lý có thể đóng vai trò nhạc trưởng để gắn kết các thành phần du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, khu vui chơi giải trí… cùng giảm giá để có để có các sản phẩm tour trọn gói kích cầu du lịch.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên miễn lệ phí visa cho những thị trường trọng điểm, tiềm năng và có mức chi trả cao để thu hút khách từ những thị trường này. Đồng thời có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch. Trong và sau đại dịch, thì Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ và bù đắp cho ngành du lịch.

Từ những khó khăn này, Việt Nam có thể coi đại dịch COVID-19 vừa là nguy cơ vừa là cơ hội để nhìn lại chính mình và chuẩn bị cho tương lai, trong việc thiệu nhiều sản phẩm mới và đa dạng, xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh trực tiếp và sâu rộng ra thế giới cũng như ngày một khẳng định, Việt Nam là một trong những nước tiềm năng, giàu bản sắc của khu vực Châu Á.

Lệ Vỹ (T/h)