Cần giảm lãi suất, gia hạn vay... và nhiều cơ chế khác để thúc đẩy tín dụng xanh

Trang Mai 15:53 | 31/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, phải có cơ chế và chính sách rõ ràng để phát triển tài chính xanh, đặc biệt là các hình thức khuyến khích như giảm lãi suất, gia hạn vay…

Cần đầu tư khoảng 368 tỷ USD Mỹ cho đến năm 2040 để phát triển xanh

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá” ngày 31/10, TS Bùi Thị Quỳnh Thơ, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: “Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2022) để theo đuổi một lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần khoản đầu tư tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, khoảng 368 tỷ USD Mỹ cho đến năm 2040.

Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh”.

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Trang

Trên thế giới và khu vực, thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với các dự án tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ sạch cùng các dự án có gắn các mục tiêu môi trường nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Riêng khu vực ASEAN + 3, theo Báo cáo của Ngân hàng ADB, thị trường trái phiếu bền vững đạt quy mô gần 800 tỷ USD năm 2023, gấp hơn 7 lần so với 2017.

Tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh. 

“Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Tuy nhiên, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, dự án xanh”, bà Thơ nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện nghiên Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, chuyển đổi xanh là câu chuyện kinh doanh buộc phải chuyển đổi. “Dù muốn hay không khi xã hội hiện nay đòi hỏi phải có chữ “xanh” trong tiêu dùng”, TS Sang nói. 

Cũng theo vị này, Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi hình thành thị trường tài chính xanh, bởi những dấu hiệu làm chậm xu thế chuyển đổi xanh do tác động của biến động địa chính trị, kinh tế, nhất là xung đột Nga - Ukraine.

Việc thực hiện tăng trưởng kép (kinh tế xanh, kinh tế số) gặp khó khăn do phát thải carbon quá lớn. Kinh tế thế giới sau tác động của đại dịch, xung đột, đình trệ/suy thoái đang phải dồn nguồn lực cho phục hồi làm trì hoãn nguồn vốn cho tăng trưởng/chuyển đổi xanh.

Việc quy hoạch, khung pháp lý, quy định đối với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nói chung ở Việt Nam mới bắt đầu đi vào hoạt động, gây cản trở đầu tư nói chung. Hệ thống thông tin về kinh tế xanh, tài chính xanh còn thiếu, không nhất quán và ít được kiểm định chặt chẽ, đáng tin cậy.

Cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, đa dạng hóa các hình thức khuyến khích tín dụng xanh

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, dù đã ý thức và chủ động chuyển đổi xanh, thế nhưng việc tiếp cận được tín dụng xanh còn gặp nhiều trở ngại.

Trao đổi với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, đại diện một khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hải Phòng cho biết: “Nhu cầu tài chính xanh để doanh nghiệp đầu tư là rất lớn, thế nhưng quá trình tiếp cận lại gặp nhiều khó khăn”. Bên cạnh các vướng mắc về pháp lý, việc nộp hồ sơ để tiếp cận tín dụng xanh cũng không dễ dàng. 

“Ví dụ như khi nộp hồ sơ xin vốn ưu đãi cho dự án điện trời áp mái thì chúng tôi đã được một quỹ hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục để được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Chúng tôi rất hoan hỉ đi đến gặp họ với mong muốn mức thuế suất ưu đãi chỉ khoảng 3%. Nhưng thực sự khi đến gặp thì mới biết ngoài lãi suất 3% ưu đãi đó còn phải trả cả phí bảo lãnh, phí xử lý hồ sơ,... Cộng tất cả các loại phí vào thì thậm chí còn cao hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại. Nên thực tế hiện nay chúng tôi đang vay của Vietcombank hơn là các quỹ hay tổ chức khác”, đại diện khu công nghiệp nói. 

 Cần nhiều giải pháp để gỡ bỏ cản trở tăng trưởng xanh. Ảnh minh hoạ.

Theo các chuyên gia, phải có cơ chế và chính sách rõ ràng để phát triển các sản phẩm tài chính xanh. 

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, chẳng hạn như việc phát hành trái phiếu xanh thí điểm ở TP Hà Nội vào quý IV năm 2016 để tài trợ các dự án xanh. Điều kiện phát hành của các trái phiếu xanh này sẽ tương tự như các trái phiếu thông thường, nhưng các dự án xanh sẽ được chứng nhận theo tiêu chuẩn của MoNRE.

Hiện các quy định pháp luật còn dài trải và chưa phù hợp. Thiếu đồng bộ về tiêu chí “xanh”. Chẳng hạn như chúng ta vẫn thiếu rất nhiều quy định về xây dựng thị trường tín chỉ carbon… Do đó cần hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh.

“Cần hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh. Chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Chính phủ có thể có những bước đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh”, chuyên gia ADB khuyến nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đưa ra một số giải pháp như rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, khung khổ chính sách và cơ chế quản lý đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu xanh nói riêng. Ban hành tiêu chí phân loại xanh.

Trong thiết kế chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh cần đa dạng hóa các hình thức khuyến khích tín dụng xanh như giảm lãi suất, gia hạn vay… Có chính sách ưu đãi thuế, phí cho phát hành và đầu tư như miễn giảm thuế liên quan đến lợi tức thu được từ đầu tư trái phiếu xanh. Phát triển nhà đầu tư có tổ chức. Tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư xanh, tổ chức tài chính xanh tham gia phát triển thị trường trái phiếu xanh.

Một số thị trường khác như Indonesia, Trung Quốc đặt ra mục tiêu net-zero vào năm 2060. Mục tiêu của Việt Nam lại sớm hơn 10 năm, thời gian để chuẩn bị sẽ gấp gáp hơn. Trong khi đó, khá nhiều nước đã làm rất bài bản, trong khi Việt Nam vẫn đang dừng lại ở bước thể chế pháp lý. “Đây là bài toán phải giải” - TS Lê Xuân Sang cho hay. Đại diện Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các quy định một cách hiệu quả và nhất quán, cần phải nâng cao năng lực và kiến thức của các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các sản phẩm tài chính xanh, đồng thời tạo ra một môi trường đủ thuận lợi cho các chủ thể phát hành và nhà đầu tư để đầu tư và phát triển các dự án tài chính xanh.