Doanh nghiệp mắc gì khi tiếp cận dòng vốn 'xanh'?
Doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh còn gặp nhiều vướng mắc
Năm 2021, Việt Nam lần đầu tiên cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050 và định hướng này tiếp tục được tái khẳng định tại COP28 cuối năm 2023.
Trong đó, sự chuyển dịch từ "nâu" sang "xanh" của các doanh nghiệp đóng vai trò tiên quyết. Thế nhưng, khi đi vào thực tiễn, nhiều đơn vị gặp không ít khó khăn, nhất là trong quá trình tiếp cận dòng vốn xanh.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.
Trao đổi với Tạp chí Doanh Nhân Việt Nam ngày 3/4, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính CTCP Shinec cho biết: “Tại doanh nghiệp chúng tôi có khu công nghiệp (KCN) Nam Cầu Kiền với diện tích 263ha, cũng là KCN đi đầu chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái, đúng với định hướng của Nhà nước về chuyển đổi xanh.
Trong các tiêu chí, có một điểm khá tốn kém là diện tích cây xanh phải nâng lên so với tiêu chí cũ. Do đó, đất thịt doanh nghiệp bán đi sẽ phải giảm giá và đương nhiên sẽ bị thiệt. Cùng với đó, việc phải chọn các doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí theo kinh tế tuần hoàn cũng sẽ khiến KCN bỏ lỡ cơ hội với các đơn vị chưa đáp ứng, từ đó khiến việc thu hồi vốn có thể sẽ lâu hơn.
Đặc biệt là câu chuyện tiếp cận dòng vốn xanh. "Shinec đã phải tự thuê đơn vị kiểm toán PwC để tư vấn, xác nhận các tiêu chí về ESG mà doanh nghiệp đã đạt được. Giá trị hợp đồng cũng lên tới vài tỷ đồng. Thế nhưng khi vay vốn ngân hàng, lãi suất vẫn cao như bình thường", ông Hải Anh thông tin.
Đánh giá về những khó khăn của doanh nghiệp, chuyên gia Trần Đình Thiên cho biết: “Thực ra phát triển chuyển đổi xanh của Việt Nam mới bắt đầu, nhưng quá trình cũng diễn ra là từ khá lâu rồi, nếu chúng ta đề cập đến mô hình Quảng Ninh dịch chuyển từ nâu sang xanh cách đây cũng phải mười mấy năm. Tuy nhiên, đây là sự thay đổi lớn về cấu trúc, phương thức phát triển, mục tiêu trong đó đặc biệt là thách thức về nguồn lực.
Hiện nay Việt Nam đang có những cam kết rất mạnh về phát triển xanh và cũng không phải chỉ là cam kết theo ý nghĩa rằng mình hứa với thế giới, mà đây là sự bắt buộc tự thân của Việt Nam, tầm nhìn buộc Việt Nam phải chuyển sang xanh. Cho nên người ta nói chuyển đổi xanh không còn là sự lựa chọn mà bắt buộc phải làm trong điều kiện xanh và khác hẳn với nền kinh tế nâu.
Nền kinh tế nâu sử dụng tài nguyên theo một kiểu khác, được định hình rồi nên cấu trúc tài chính, các nguồn lực, hệ thống khuyến khích, hệ thống chế tài đã ổn định. Nhưng riêng chuyển sang xanh thì hiện nay là đang rất khó.
Chuyển sang "xanh" hiện còn vướng mắc hai việc, đầu tiên là những công thức nội hàm buộc phải giảm "nâu" đi, tăng "xanh" lên. Do đó phải chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi các điều kiện chứ không phải bơm tiền để thay đổi.
Bên cạnh đó là việc phải chuyển sang "xanh" hoàn toàn. Ví dụ như năng lượng tái tạo là xanh hoàn toàn thì bắt buộc phải bơm vốn và những lượng vốn này rất khổng lồ, hoặc những ngành công nghệ cao như là xe điện đều yêu cầu chi phí lớn.
Hiện nay là chúng ta chưa chuẩn bị nguồn vốn cho vấn đề này. Có thể thấy mấy năm vừa qua tín dụng rót cho các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn, các nguồn tín dụng bị ách tắc, cho nên khan hiếm".
Cũng theo chuyên gia này, tín dụng là một trong những khâu cực kỳ thiết yếu, mang tính sống còn cho mục tiêu phát triển chính sách. Nhưng tất nhiên để giải quyết vấn đề tín dụng thì có nhiều việc phải làm chứ không phải chỉ riêng vấn đề “tiền”. Thậm chí có chuyển đổi sang xanh thì chưa chắc người ta đã có tiền cho vay, bởi hệ thống tài chính đang có nhiều điểm yếu, rủi ro,...
Đặc biệt là cơ chế hệ thống, bảo đảm tiêu chuẩn, tiêu chí để xét duyệt. Đồng thời cần sự thống nhất về tầm nhìn, lập trường, quyết tâm hành động các địa phương. "Nếu trong một chuỗi xanh có một ông không xanh thì hiệu quả đã giảm đáng kể", chuyên gia Trần Đình Thiên nói.
Loạt giải pháp khơi thông dòng vốn "xanh"
Đề xuất giải pháp từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải Anh cho rằng cần phải có những tiêu chí rõ ràng về cụm công nghiệp xanh, KCN sinh thái,... Sau đó các cơ quan có thẩm quyền đến xác nhận để doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Đồng thời, đại diện doanh nghiệp cũng mong có những hướng dẫn cụ thể để những nhà đầu tư biết sẽ được hưởng lợi gì khi rót vốn vào các KCN xanh.
Về phía chuyên gia, ông Thiên cho rằng chúng ta phải có một thái độ nghiêm túc, là thay đổi cấu trúc chứ không phải là chỉnh sửa những cái cũ. Thị trường tín dụng cho chuyển đổi xanh, cho tăng trưởng xanh là phải được đặt ra một cách có bài bản, phải đặt vấn đề đối tượng được cung cấp vốn như đối tượng ưu tiên.
Ngoài ra cần bảo đảm tính đồng bộ và sự tính ưu tiên về mặt cấu trúc. Bởi đây là một thị trường bậc cao, hướng tới những mục tiêu rất cao thì phải dành cho nó những quan tâm đặc biệt về mặt thể chế.
Hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh cũng là giải pháp được chuyên gia Cấn Văn Lực đặt lên hàng đầu. Theo ông Lực, các chính sách liên quan đến thị trường tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu,...
Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn (cả Nhà nước và tư nhân) cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh,... Đồng thời, bản thân doanh nghiệp, tổ chức tài chính cần có kế hoạch, chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững, xây dựng văn hóa xanh, chủ động lập báo cáo ESG, báo cáo phát triển bền vững; đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực liên quan, nhất là các bộ phận liên quan đến tài chính xanh, tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường – xã hội và ESG,...